Nỗ lực kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột Biển Đông

(PLO) - Ngày 17/11, tại Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”.
Hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý và Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc) cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh ven biển và ngoại giao đoàn của các nước tại Việt Nam. Hội thảo lần này tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông nằm trong chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông được tổ chức từ 2009.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao đưa ra nhận định, năm qua là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất. Nhưng khi tình hình càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. 
“Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”, ông Quý nhấn mạnh

Cũng tại Hội thảo, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng cho rằng: Đà Nẵng là địa phương của đất nước hướng ra Biển Đông, các diễn biến trên biển, căng thẳng hay hoà dịu tại đây đều tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của thành phố. Ông Chiến khẳng định: “Hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này. Vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó.”

Với mục tiêu đề ra, nhiều đại biểu tham dự mong muốn Hội thảo lần này sẽ phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị” của các hội thảo năm qua, để trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Ngoài ra, ông Văn Hữu Chiến cũng đề nghị các học giả dành thêm thời gian thảo luận về các biện pháp giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế biển; duy trì môi trường đầu tư và quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch trong bối cảnh có các khác biệt, tranh chấp hay va chạm trên biển; các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè đi biển; về vai trò và các khả năng đóng góp của các địa phương ven biển của các nước liên quan trong việc duy trì hoà bình và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Được biết, Hội thảo diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 11 với 7 phiên thảo luận.  

Đọc thêm