Nỗ lực triển khai các giải pháp để gỡ 'thẻ vàng' IUU

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương liên quan đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phấn đấu mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU. Ảnh: T. Thủy
Lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU. Ảnh: T. Thủy

Nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một số khuyến nghị, bao gồm hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cảnh báo “thẻ vàng” của EC đã tác động lớn tới ngành thủy sản Việt Nam. Ví dụ, 100% lô hàng xuất khẩu đều phải qua kiểm tra, thời gian kiểm soát hồ sơ và lưu kho kéo dài, chi phí nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm khoảng 35-40% so 2017. Bên cạnh đó, hình ảnh, uy tín vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Thông tin về những kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC, ông Vũ Duyên Hải khẳng định, đến nay, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Trên cơ sở triển khai thực tế, đã rà soát, sửa đổi bổ sung các Thông tư, Nghị định liên quan để phù hợp thực tiễn nghề cá tại Việt Nam và các quy định quốc tế (Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU.

Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, đến nay, chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu. Công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nền nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác và nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 28.787/29.791 tàu cá (đạt tỉ lệ 96,62%).

Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu. Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã phối hợp với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương.

Chấm dứt khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vào tháng 5/2023

Tháng 10/2022, Đoàn thanh tra của EC đã đến làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tháng 12/2022, EC đã có báo cáo kết luận và thông tin những hạn chế còn tồn tại. Theo đó, EC ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU.

Tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019, như đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra rằng, khung pháp lý của Việt Nam hiện toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng việc thực thi còn nhiều hạn chế và không đồng đều. Giám sát đội tàu đã được cải thiện nhưng số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

EC cũng chỉ ra vấn đề liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Cùng với đó, vấn đề đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.

Để gỡ “thẻ vàng” IUU, ông Vũ Duyên Hải nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian tới, trong đó có rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Phấn đấu đến tháng 5/2023 sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Đọc thêm