“Nở rộ” các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2010

 Nhìn lại công tác Phổ biến pháp luật (PBPL) năm qua, cũng là 6 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBPL và nhiều chương trình quốc gia lớn cho thấy, chưa bao giờ công tác PBPL được quan tâm như hiện nay, và thực tế việc PBPL đã từng bước đi vào chiều sâu, khắc phục “căn bệnh” hình thức…

Nhìn lại công tác Phổ biến pháp luật (PBPL) năm qua, cũng là 6 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBPL và nhiều chương trình quốc gia lớn cho thấy, chưa bao giờ công tác PBPL được quan tâm như hiện nay, và thực tế việc PBPL đã từng bước đi vào chiều sâu, khắc phục “căn bệnh” hình thức…

82% đơn vị cấp xã đã thành lập hội đồng.

Đánh giá của Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho thấy: so với giai đoạn 2001-2006, giai đoạn 2007-2010, tổ chức và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng. Ngoài việc kiện toàn bộ máy tại Vụ, ở địa phương, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật. 19 Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, 63/63 tỉnh, thành phố, 99% đơn vị cấp huyện và 82% đơn vị cấp xã đã thành lập Hội đồng phối hợp PBPL.

Đặc biệt, tham gia vào công tác PBPL đến nay đã có một lực lượng đông đảo. Đó là đội ngũ cán bộ Tư pháp chuyên trách PBPL có 7.029 người, cán bộ pháp chế thực hiện thực hiện PBGDPL là 2.110 người. Hiện có 232 báo cáo viên pháp luật Trung ương; 5183 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 13.667 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 82.555 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Bên cạnh đó, công tác PBPL còn có sự tham gia của 623.157 hòa giải viên tại 120.462 Tổ hòa giải và 25.404 báo cáo viên Tư tưởng văn hóa.

Cũng theo Vụ PBGDPL, từ chỗ  kinh phí đầu tư cho công tác PBPL trước đây rất khó khăn nay đã được tăng cường, nhiều địa phương từ chỗ kinh phí cho công tác này chưa tới một trăm triệu nay đã dành ngân sách tăng gấp 4-5 lần, có địa phương (TP Hà Nội, Lâm Đồng...) bố trí hàng tỷ đồng/năm dành cho công tác PBPL.

“Ngày pháp luật” được nhân rộng

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có thể nói chưa khi nào công tác PBPL được quan tâm, đầu tư và nở rộ về phương thức như hiện nay.

Bên cạnh các hình thức PBPL mang tính truyền thống nhiều địa phương còn tổ chức lồng ghép các nội dung pháp luật qua nhiều hình thức như chợ phiên, lễ hội, sinh hoạt tổ dân phố, cụm dân cư, phát hành tờ rơi, giỏ sách pháp luật di động với phương châm PBPL ở mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt năm 2010 là năm mô hình “Ngày pháp luật” đã được nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Từ mô hình của ngành Tư pháp Hà Tây (cũ) đến nay, rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai “ngày pháp luật”. Nhiều địa bàn khó khăn (Bắc Kạn, Đăk Lắc, Bến Tre, Lâm Đồng, Lào Cai…) cũng đã thực hiện “ngày pháp luật”. Không những thế, phong trào này còn lan rộng đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cũng đã ký văn bản thực hiện “Ngày pháp luật” trong toàn ngành, nhằm mục đích tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật; phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá về ”Ngày pháp luật”, theo bà Trương Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội thì mô hình này, không những chỉ tạo thói quen học tập và làm theo pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức mà còn nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân theo hướng giảm phiền toái, sách nhiễu. Thông qua mô hình này, cũng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

”Điểm nhấn” quan trọng trong năm qua với ”Ngày pháp luật” là Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình nói trên trên phạm vi cả nước và được các địa phương đồng tình, ủng hộ.

Để chuẩn bị cho ĐH Đảng toàn quốc và bầu cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân diễn ra trong cùng một ngày, ngành Tư pháp cần đẩy mạnh công tác PBPL tới các tầng lớp nhân dân về các nội dung liên quan. Trong đó cần phát huy vai trò của ”ngày pháp luật” với lực lượng tiên phong, nòng cốt là đội ngũ cán bộ công chức.

PV

Đọc thêm