Ảnh minh họa |
Các mục tiêu của chương trình cơ bản đạt
Việc thực hiện chương trình theo Ban chỉ đạo đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Công tác chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn điều hành chương trình đã được thực hiện một cách bài bản, sát sao. Sau 5 năm kết quả được đánh giá thể hiện trên nhiều phương diện: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã; xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động PBGDPL và vận động chấp hành pháp luật có hiệu quả, phù hợp từng địa bàn.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo cho biết: trong tổ chức thực hiện đã có nhiều hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả. Chẳng hạn như việc tuyên truyền pháp luật trực tiếp đến dân, thông qua trợ giúp pháp lý, thi hành án, qua xét xử lưu động, qua lồng ghép với các hoạt động văn hóa…
5 năm, từ sự nỗ lực của các cấp, ngành địa phương cũng đã xuất hiện nhiều hình thức PBGDPL mới, cần xem xét nhân rộng. Điển hình như mô hình nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật. Kết thúc chương trình cả nước đã có trên 12 ngàn nhóm nòng cốt ở khu dân cư. Nhóm này được thành lập thông qua việc tuyển chọn các cá nhân tiêu biểu, am hiểu pháp luật ở khu dân cư, đội ngũ già làng, trưởng bản uy tín. Nhóm nòng cốt phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, đặc biệt đến những nhóm đối tượng như người được đặc xá, mới ra tù, cảm hóa những người đã từng lầm lỡ…
Hay như việc xây dựng các điểm sáng pháp luật thông qua việc vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư. Ví dụ ở Gia Lai là xây dựng thôn làng không có người vi phạm pháp luật, không người khiếu kiện trái phép, không tham gia tổ chức phản động Fulrô… Long An xây dựng mô hình xã không có người tham gia buôn lậu, bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm; Thừa Thiên – Huế là mô hình vùng giáo dân an toàn; Hòa Bình là tổ hỗ trợ công tác thi hành án…
PBGDPL: cần đầu tư toàn diện
Sau 5 năm thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo đánh giá: “Chương trình đã được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước; các mục tiêu của chương trình đã cơ bản đạt được”. Và quan trọng, chương trình đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Ở cấp trung ương là công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp còn chưa chặt chẽ, hướng dẫn kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức. Ở địa phương một số nơi triển khai còn chậm, chưa đều khắp, vai trò chủ động của một số sở Tư pháp chưa được phát huy. Nhiều nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, trong đó có vấn đề về nhận thức của nơi này, nơi khác cũng như năng lực đội ngũ cán bộ “Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã thường xuyên biến động, số lượng ít, nhiệm vụ nhiều, phần lớn trình độ hạn chế”- Ban chỉ đạo chỉ rõ.
Một trong nhiều kiến nghị Ban chỉ đạo gửi đến cơ quan chức năng là đề nghị các bộ, ngành, UBND các cấp quan tâm và đầu tư đầu tư toàn diện cho công tác PBGDPL. Việc thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL phải được tiến hành đồng bộ với các chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội để tạo chuyển biến đồng bộ, tránh chồng chéo, bảo đảm tiết kiệm nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL.
Đến nay, 82% xã phường, thị trấn trong cả nước đã thành lập Hội đồng (hoặc Ban) phối hợp PBGDPL. Cơ chế phối hợp của hội đồng đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện PBGDPL tại cơ sở. |
Thanh Nhàn