Nỗi buồn của “Nàng Kiều”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 2021, điện ảnh Việt lần lượt chứng kiến 2 bộ phim chuyển thể từ tác phẩm “Truyện Kiều” ra mắt. Nhưng mỗi phim mỗi vẻ, đều đem lại… tiếng thở dài chán nản cho khán giả.
Tạo hình Đạm Tiên mang chất huyền huyễn trong phim “Kiều”.
Tạo hình Đạm Tiên mang chất huyền huyễn trong phim “Kiều”.

Sự thất vọng đầu tiên đến từ bộ phim “Kiều@”, được giới thiệu lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”, nhưng chỉ thấy chi tiết liên quan là đoạn “bói Kiều” đầu phim. Còn cả bộ phim là sự chắp vá rời rạc của “Nửa đời hương phấn” và những MV ca nhạc “drama” đang thịnh hành. Bộ phim nhanh chóng rời rạp với sự thất vọng của khán giả, được mệnh danh là “thảm họa điện ảnh” đầu năm.

Bộ phim thứ hai là “Kiều” của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thu Huyền đã nhận được sự trông đợi của khán giả từ giai đoạn sản xuất. Con số đầu tư 30 tỉ cho bộ phim và những hé lộ ban đầu của nhà sản xuất cũng khiến khán giả đặt kì vọng cho một tác phẩm đầu tiên chuyển thể đúng chất “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. 

Thế nhưng, khán giả một lần nữa thất vọng khi “Kiều” công chiếu. Bộ phim không phải quá dở, hoặc “xúc phạm Truyện Kiều” như một số bình luận quá khích. Vẫn có thể ghi nhận được những lát cắt thú vị từ nhiều chi tiết trong phim, từ dàn diễn viên đẹp, trang phục và bối cảnh hấp dẫn, từ sự nỗ lực đưa tác phẩm của đại thi hào đến với khán giá thông qua nghệ thuật thứ 7. 

Thế nhưng, một vài sự động  viên ít ỏi không thể thay thế được sự thật rằng phim không hay. Dẫu biết rằng phim không phải chuyển thể hoàn toàn của “Truyện Kiều” mà được gọi là “phóng tác” với thể loại huyền huyễn song cách thể hiện khiến khán giả như “nhai sạn” bởi sự phóng tay quá mức. Khán giả hoàn toàn không thể tìm thấy hình bóng những nhân vật mình từng yêu thích thông qua các nhân vật cùng tên trong phim. Những giá trị nhân văn, triết lý nhân sinh quan sâu sắc và thú vị của “Truyện Kiều” dường như bị “dung tục hóa” trong nội dung phim. 

Nhiều chuyên gia điện ảnh nhận định, bộ phim như bị mắc kẹt giữa nghệ thuật và giải trí, giữa “Truyện Kiều” nguyên bản và “Kiều” hình hài hoàn toàn mới, là sự đan xen giữa một tác phẩm huyền huyễn Việt Nam và web drama. 

Một cuộc thể nghiệm có thể nói là thất bại của nhà sản xuất. Cuộc thể nghiệm ấy không hoàn toàn vô ích, bởi nó giúp cho những nhà làm phim nhiều đam mê có thể thấy được bài học cho riêng mình, đặc biệt là khi chuyển thể những tác phẩm văn chương kinh điển. 

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, “Nhật thực Sài Gòn”, một bộ phim cũng “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều” đã thất bại thảm hại về mặt doanh thu, được mệnh danh là một “sản phẩm điện ảnh ngớ ngẩn”. 

Tiếc cho nhiều dự án tốn kém nhưng không chạm được đến chiều sâu của tác phẩm. Khán giả Việt lại tiếp tục chờ đợi một “Kiều” mới, chân thực hơn, nghệ thuật hơn và chạm đến trái tim hơn.