Nỗi buồn trên căn gác phố

(PLVN) -  Tôi đến thăm cựu danh thủ bóng đá Lê Văn Phúc vào ngày cuối tuần. Hà Nội chợt mưa, chợt nắng. Nhà ông nằm trong ngõ nhỏ ở phố Mai Hắc Đế và chỉ cần nói tên ông “Phúc đá bóng” là ai cũng biết tên ông. Một danh thủ lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng lại phải sống nhiều ưu tư khi về già.
Cựu danh thủ Lê Văn Phúc ngày ấy. (Ảnh tư liệu)

Tai nạn giao thông đã cướp đi khát vọng cống hiến

Nhà ông ở cuối một con ngõ trên phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, tôi đi lên cầu thang tối làm bằng xi măng đã quá cũ, cựu danh thủ Lê Văn Phúc không giấu được xúc động khi có người trò chuyện bóng đá. Ánh mắt luôn toát lên vẻ lạc quan, kiêu hãnh của một cựu danh thủ một thời, dù đã 23 năm từ sau biến cố giao thông khiến cơ thể không còn lành lặn.

Bây giờ ông Phúc không thể di chuyển. Tai nạn giao thông trên đường xuống Hải Phòng cách đây hơn 20 năm đã khiến ông mất đi đôi chân, một chân bị liệt, còn chân kia phải cắt bỏ. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ người vợ tần tảo lo toan. “Khi tôi bị tai nạn giao thông, bác sĩ nói với nhà tôi là tôi không thể sống sót, nhưng ơn trời tôi vẫn sống cho tận bây giờ. Công lao chăm sóc, lo toan trong nhà nhờ hết vào vợ tôi. Bà ngày xưa là hoa khôi của khu phố, tôi là cầu thủ nổi danh thời đó, rồi yêu thương nhau. Hồi đó không ai đẹp như bà” - ông chia sẻ.

Ông nhớ lại cái ngày ông chở con trai bằng xe máy là cầu thủ Lê Hoàng Phương (từng chơi cho Hà Nội ACB, Quảng Ngãi, XMXT.Sài Gòn, V.Ninh Bình nhưng giờ đã chia tay sân cỏ) xuống Hải Phòng chơi. Khi đến Hải Dương thì bị xe ô tô đâm vào nghiền nát nửa người. Dính tai nạn thảm khốc đó, không ai nghĩ ông sẽ vượt qua, nhưng số phận vẫn cho ông sống, tuy nhiên lấy mất đi đôi chân tài hoa và một tương lai nhiều hứa hẹn gắn bó với bóng đá. “Đời người có số phận. Tôi không may bị tai nạn nhưng còn may mắn hơn một số anh em khác khi nửa thân trên hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo. Tôi không thể đi lại, chơi bóng, nhưng vẫn truyền năng lượng cho con trai, cho bạn bè, hay những thế hệ tiếp nối” - ông Phúc chia sẻ lạc quan.

Nói về tư duy chơi bóng, ông Phúc cho biết: “Đá bóng là phải đá bằng cái đầu. Một cầu thủ giỏi, một trung vệ hay, phải biết đọc trận đấu, phải nắm được điểm yếu, điểm mạnh của đối phương, thậm chí là những vệ tinh xung quanh. Tôi có cái chân của điền kinh, có cái đầu của một cầu thủ biết đá bóng, có sự lanh lợi, tinh quái để đối phó với mọi đối thủ, nên chưa có ai vượt qua được mình. Đó là điều mà tôi tự hào nhất”.

Cựu danh thủ Lê Văn Phúc ngày ấy. (Ảnh tư liệu)

Ông tâm tư rằng, khi bị tai nạn, sự nghiệp bóng đá coi như đổ bể. Ông lúc đó dù không còn chơi bóng nhưng vẫn có tham vọng làm HLV hay hoạt động gắn bó với bóng đá. Sức hút của ông vẫn lớn đối với các CLB trong nước. Ông đã đưa con trai thứ hai là Hoàng Phương tập luyện với đội trẻ. Con trai ông thừa hưởng được gen trội từ cha mình, anh từng là cầu thủ sáng giá của giải vô địch quốc gia, nhưng rồi sự nghiệp cầu thủ cũng lận đận khi không còn bóng dáng người cha nâng đỡ. Hoàng Phương chuyển sang làm việc cho một ngân hàng. Đó là điều mà ông luôn cảm thấy day dứt khi không thể đồng hành cùng con trai mình. Rồi người con trai cả đang sống cùng ông tính cách không ổn định khiến ông cũng rầu lòng…

Nhiều khi ông tâm tư là cái nghề cầu thủ đôi khi cũng “bạc”. Khi mình toả sáng thì được săn đón, nhưng khi nằm xuống thì vì cuộc sống mà các mối quan hệ cũng nhạt nhòa dần… Ông kể có được nhận tiền hỗ trợ từ phường nhưng chưa đến 1 triệu. Thỉnh thoảng có cơ quan cũ hay cơ quan truyền thông ghé thăm tặng quà, cũng vui, nhưng vẫn thấy nhiều tâm tư, suy nghĩ, rằng nếu không xảy ra tai nạn… Nhưng đời thì không có chữ “nếu”. Mới đây bên Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có sang tặng quà. Phó Tổng Giám đốc VPF Võ Văn Hùng đến thăm ông khiến ông vui như được sống lại thời chơi bóng. Những kỷ niệm cũ lại ùa về trong tâm thức của một trong những “quái kiệt” của bóng đá Việt Nam thập niên 70, 80 thế kỷ trước. “Không phải tôi mà nhiều cựu danh thủ bóng đá chúng tôi cũng ít có cơ hội được ngồi lại với nhau. VFF cần phải tạo không gian để thế hệ tiếp nối gắn bó với thế hệ cũ, dù bây giờ các em sướng hơn, nhiều cơ hội hơn, nhưng chúng tôi có kinh nghiệm và năng lượng để chia sẻ” - ông Phúc bộc bạch.

Vết thương cũ vẫn thường nhói đau. Ngồi nói chuyện với tôi mà nhiều khi ông phải cắn răng chịu đựng. “Bên cạnh gường ngủ của tôi đầy các loại thuốc. Tôi vẫn phải đồng hành với tai nạn này để sống vui với con cháu và gia đình”. Niềm vui trong cuộc sống của ông Phúc “vổ” giờ đây chỉ là những buổi cuối tuần được đi uống cafe hàn huyên cùng anh em, đồng đội cũ ở một quán quen cạnh nhà. Bên cạnh đó, ông cũng cảm thấy ấm áp hơn nhiều khi chơi cùng hai cháu gái nội con của cầu thủ Lê Hoàng Phương.

Đặt hy vọng vào thế hệ tiếp nối

Cựu danh thủ Lê Văn Phúc còn được biết đến với biệt danh Phúc “vổ”, sinh ngày 9/10/1949 tại Hà Nội. Sự nghiệp thể thao của ông bắt đầu khi 17 tuổi. Điều thú vị là trước khi trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng, ông Phúc từng có thời gian tập luyện điền kinh và sớm bộc lộ tố chất. Năm 17 tuổi ông được Trường Huấn luyện Kỹ thuật thể thao Trung ương phát hiện, tuyển chọn ông vào bộ môn điền kinh của trường. Hai năm ròng rã học điền kinh với bài tập nâng thể lực bằng cách gánh theo gánh đất chạy lên xuống đồi với chiều dài tổng cộng từ 10 đến 20km. Tố chất thể thao trong ông khiến ở đội tuyển điền kinh, ông chạy không có đối thủ.

Những tháng ngày tập luyện điền kinh trên Nhổn (Khu huấn luyện của Trường huấn luyện), ông hay giao lưu và đấu tập với đội bóng đá của trường. Khi ấy đất nước đang còn chiến tranh và đội bóng của trường lại chỉ tuyển những cầu thủ giỏi ở các đội bóng về, nên đội bóng của Trường huấn luyện cũng đồng thời là đội tuyển quốc gia khi có kế hoạch thi đấu giao hữu quốc tế.

Chính những ngày tháng gánh đất, chạy đồi ấy là bước đệm để ông trở thành một trong những cầu thủ chạy cánh nổi tiếng khi thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Thời gian tập luyện điền kinh tại trung tâm Nhổn, ông Phúc thường “đá tập” với đội tuyển quốc gia và cựu danh thủ này không mất nhiều thời gian để lọt vào “mắt xanh” của ban huấn luyện đội bóng để rồi được đặc cách lên thẳng đội 1 với các đàn anh Lê Thế Thọ, Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Hoàng Ngọc Minh, Lê Đình Chính, Lê Thụy Hải, Lê Mai Tú…

Cựu danh thủ Lê Văn Phúc ngày ấy. (Ảnh tư liệu)

Khi còn thi đấu đấu đỉnh cao, cựu danh thủ Lê Văn Phúc để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ. Sở hữu tốc độ của dân điền kinh, cái đầu tinh quái cùng kỹ thuật hoàn hảo, ông Phúc vượt trội hơn hẳn so với những cầu thủ đá cùng vị trí lúc bấy giờ. Mỗi lần ông Phúc tăng tốc, chạy nước rút là một lần ông khiến khán đài “dậy sóng”. Đặc biệt, cựu danh thủ này còn có tuyệt chiêu “móc Sài Gòn”, động tác đòi hỏi kỹ thuật cao mà trước đó chỉ có một người làm được, là huyền thoại Tòng Cháy ở đội Công an Hà Nội. Đó là động tác tung người móc bóng ngay trong tầm khống chế của đối phương khi bị vượt qua. Cũng vì vậy, ông luôn chắc suất đá chính bên hành lang cánh phải ở đội tuyển quốc gia. Thậm chí, phong cách chơi bóng của “quái kiệt” này còn ghi dấu ấn với cả quan khách quốc tế. Điều thú vị là cựu danh thủ này chưa từng nhận thẻ đỏ trong bất kỳ trận đấu nào, từ cấp CLB cho tới các giải đấu quốc tế, dù chơi ở vị trí tương đối nhạy cảm.

Từng là một cầu thủ đa tài, sở hữu tốc độ ấn tượng, nhưng đã 23 năm trôi qua, ông Phúc không thể tự di chuyển. Tai nạn giao thông hồi năm 2000 khiến ông bị liệt nửa thân dưới. Đối mặt với những khó khăn và bản thân phải phụ thuộc vào người khác, nhưng cựu danh thủ này vẫn giữ khí chất lạc quan, yêu đời và luôn dõi theo dòng chảy, sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

“Ngày nay, các cháu có nhiều điều kiện từ kinh tế, trang thiết bị tập luyện tốt và có những bước phát triển lớn. Là cựu cầu thủ, tôi luôn mong các thế hệ về sau đưa bóng đá nước nhà tiếp tục phát triển, trở thành số 1, số 2 châu Á và tiếp đến là ra sân chơi thế giới. Đó là điều mong mỏi của không chỉ riêng tôi mà là của tất cả các thế hệ cầu thủ đi trước”, ông nhắn nhủ.

Tạm biệt ông khi thành phố đã lên đèn. Tôi vẫn suy nghĩ hoài về câu chuyện một danh thủ bóng đá. Nó không còn là câu chuyện của một cầu thủ với trái bóng tròn mà còn câu chuyện về số phận con người, cả niềm đam mê, lòng tin và cả sự bạc bẽo của cuộc đời.