Nỗi đau da cam - nhìn từ Triển lãm Quân khu 3

(PLO) - Nằm trong chuỗi hoạt động Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 56 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2017) và Ngày vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam (10/8), Bảo tàng Quân khu 3 đã phối hợp với Bảo tàng Binh chủng Hóa học tổ chức khai mạc triển lãm lưu động với hai chủ đề: Lực lượng vũ trang Quân khu 3 với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và “Da cam, lương tri và công lý”.
Triển lãm có đông đảo người đến xem.

Theo kế hoạch, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến hết ngày 27/7/2017 tại 11 cơ quan, đơn vị trên địa bàn các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương và TP. Hải Phòng. Triển lãm trưng bày hơn 500 hình ảnh, tranh cổ động, bảng trích và hiện vật thể hiện khái quát những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và sự tri ân sâu sắc của lực lượng vũ trang Quân khu 3 đối với những cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng.

Đồng thời triển lãm cũng tập trung giới thiệu tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại và hậu quả lâu dài của chất độc da cam/dioxin gây ra với môi trường và sức khỏe con người cùng sự cố gắng phi thường của các nạn nhân chất độc da cam. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động trong thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chính sách hậu phương quân đội.

Góc trưng bày “Da cam, lương tri và công lý” đã gây xúc động mạnh với người xem. Việc quân đội Mỹ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha tại Việt Nam trong 10 năm (1961-1971) dẫn đến thảm họa hóa học da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Cả nước hiện có khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm và là nạn nhân của chất độc da cam.

Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người bị bệnh cùng gia đình, người thân sống trong vô vọng, nghèo đói. Đặc biệt chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ ở Việt Nam với hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba; 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư.

Hiện có hơn 200 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí… với số tiền trợ cấp hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng… 

Những hình ảnh nạn nhân chất độc da cam tại triển lãm sống động và nhức nhối. Ngôi nhà cấp 4 cũ nát nằm giữa thôn Thư Đôi, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã tắt hẳn tiếng cười từ nhiều năm nay, thay vào đó là “nước mắt chan cơm” của người vợ, người mẹ có chồng và 2 con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

“Ông ấy bỏ mẹ con tôi ra đi 2 năm nay rồi, cũng do ảnh hưởng của chất độc da cam khiến ông ấy quanh năm ốm đau rồi mất. Hiện giờ 3 mẹ con tôi nương tựa vào nhau mà sống. Con lớn sinh năm 1976, đứa thứ 2 sinh năm 1982 đều bị nhiễm chất độc da cam rất nặng, không có khả năng tự chủ bản thân. Những lúc lên cơn, chúng đánh tôi rất đau, trên người tôi chưa bao giờ hết vết bầm, tím bởi con đánh. Những lúc như thế tôi thực sự uất nghẹn, nhưng rồi thương con, lại cố công chăm sóc để con cái mình vơi bớt phần nào nỗi đau thể xác” - bà Trần Thị Sửu, vợ nạn nhân da cam Nguyễn Văn Uổng tâm sự. 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nam Định có trên 145.600 người tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Theo điều tra ban đầu, có gần 30.000 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Nam Định hiện có gần 13.500 người đang hưởng chế độ của Nhà nước, trong đó có hơn 10.400 nạn nhân trực tiếp, trên 3.000 nạn nhân gián tiếp. Nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độ có 175 người.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình đã triển khai chương trình tẩy độc cho các nạn nhân chất độc da cam, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe, mang lại niềm vui sống cho những con người mang quá nhiều độc tố trong cơ thể. Phương pháp mà Hội áp dụng để tẩy độc cho các nạn nhân da cam  là phương pháp Hubbard.

Phương pháp này dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường mồ hôi, tiêu hóa và tiết niệu bằng cách dùng một số vitamin, dầu thực vật, luyện tập và đặc biệt là xông hơi trong vòng 3 đến 4 tuần. Kết quả rất tốt ở đa số bệnh nhân tham gia điều trị, sức khỏe được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Chương trình chính thức bắt đầu từ tháng 2/2011 và đến nay đã có gần 1.000 lượt nạn nhân chất độc da cam được tẩy độc, mỗi đợt có 25 người cùng tham gia.

Những người nhiễm độc ít thì chỉ  trong  6 - 7 ngày đã có tiến triển rất tốt và quá trình tẩy độc chỉ cần từ 13 đến 25 ngày. Nhưng có những người độc tố quá nhiều cần tới 29 ngày để tẩy.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu 3 đã trích quỹ vốn, huy động xã hội hóa trên 7 tỷ đồng tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây dựng 254 nhà tình nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà 209 tập thể, 1.589 cá nhân là đối tượng chính sách trong đơn vị và trên địa bàn; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho 9.975 lượt người; phối hợp tổ chức 2.096 ngày công giúp đỡ gia đình chính sách, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ.

Đọc thêm