Bất hạnh từ thuở nằm nôi
Tìm về ngôi nhà của người phụ nữ không tay Nguyễn Thị Hành (53 tuổi, phường Hương Vân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong một trưa nắng tháng năm. Căn nhà nhỏ đang xây vẫn còn dang dở, nằm cuối xóm sau những lũy tre già bên dòng sông Bồ.Bước ra từ phía góc bếp, bà nở nụ cười chào đón chúng tôi.
Bà chia sẻ, gia đình bà có ba anh chị em, bà là con gái út trong nhà.Bà Hành sinh ra đã không có tay do di chứng từ người cha nhiễm chất độc da cam. Ngày bà chào đời, nhiều người đã đặt điều nói rằng bà không phải là con người mà là một quái thai bởi khi sinh được mấy tháng rồi mà vẫn còn đỏ hỏn, không tay. Nhưng vì thương con, vì tình mẫu tử sâu nặng, mẹ bà ngoảnh mặt giấu nước mắt vào trong, vẫn quyết tâm giữ bà Hành lại để nuôi.
Năm lên 7 tuổi, cô bé Hành bắt đầu nhận thức được sự thiệt thòi của mình, cũng trong khoảng thời gian đó, “cô bé không tay” lại chịu thêm nỗi đau mất đi người cha vì tai nạn giao thông. Bốn mẹ con bà nương tựa vào nhau để sống.
Kể từ đây, bà mẹ đơn thân vất vả bươn chải kiếm từng miếng cơm, manh áo nuôi ba đứa con thơ dại. Tuổi thơ của cô bé Hành ngày đó là những ngày lủi thủi trong góc nhà nhìn trộm ra cửa sổ, ao ước giá như mình cũng được bình thường như bao người khác. Bà tâm sự: “Nghĩ lại quãng thời gian đó đau lòng lắm. Mỗi chiều nhìn ra từ cửa số, thấy bạn bè trong xóm tụ tập chơi ô, chơi bi, nhảy dây… là nước mắt lại rơi”.
Mỗi sáng bà quét dọn nhà cửa, sân vườn giúp chị gái mình. |
Nghị lực vượt qua số phận
Sau khi cha mẹ qua đời, thương em, bà Nguyễn Thị Màn (58 tuổi, chị gái bà Hành) đã gác lại chuyện hạnh phúc riêng tư của mình để chăm sóc cô em gái út thiệt thòi. Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay hai người phụ nữ ấy đã cùng chia ngọt, sẻ bùi với nhau gần 40 năm.
Ngày mưa cũng như nắng, bà Màn không quản ngại khó khăn, làm lúa, làm sắn... dành dụm, chắt chiu như con ong để nuôi em. Bà Màn kể rằng: “Nhiều lần cũng nghĩ đến chuyện tìm kiếm một gia đình như bao người phụ nữ khác, nhưng rồi nghĩ tới Hành rồi lại thôi. Từ nhỏ nó đã thiệt thòi, cha mẹ lại qua đời sớm nếu tôi đi lấy chồng thì ai chăm sóc. Vậy nên tôi đã ở vậy để lo cho em gái mình. Vì sinh ra tật nguyền nên mãi lên 5 tuổi, Hành mới chập chững những bước đi đầu tiên. Bởi không có tay nên không thể chống đỡ để đứng lên được. Hồi đó, mỗi ngày Hành vẫn kiên trì tập đi, có khi ngã dúi cắm mặt xuống đất…”.
Thương chị gái ngày ngày vất vả kiếm tiền, rồi lo chuyện cơm nước phục vụ từng bữa cơm cho mình nên Hành quyết định tự thay đổi vừa để giúp mình, vừa đỡ đần chị. Bà kể rằng: “Khi đối mặt với khó khăn thì khát khao được sống càng mãnh liệt hơn. Tôi bắt đầu thay đổi từ việc tập ăn cơm bằng chân. Mới đầu tập ăn khó lắm, nhất là việc dùng chân kẹp muỗng ăn cơm. Cơm vào miệng ít mà rơi ra ngoài thì nhiều, nhưng dần dần rồi tôi cũng quen”.
“Đến tuổi đi học gia đình tôi lúc đó có đến trường xin nhưng họ không nhận vì tôi không có tay nên khó có thể học viết chữ. Nhìn bạn bè cùng trang lứa hàng ngày cắp sách đến trường lòng tôi buồn lắm. Cũng may hồi đó, trong làng có lớp học bình dân học vụ buổi tối, thế là tôi quyết tâm xin đi học cho bằng được”- bà Hành ngậm ngùi cho biết.
Thế rồi, mỗi đêm bà tới lớp tham gia học chữ. Khi đã viết chữ thành thạo bằng chân, bà Hạnh tự hứa với chính mình rằng chân mình viết chữ được thì những việc khác cũng có thể làm được. Kể về những ngày tháng tập luyện làm việc bằng đôi chân, bà cho biết: “Ban đầu cũng khó lắm, nhưng nghĩ tới chị gái vất vả nên tôi đã cố gắng rất nhiều. Sau hai năm tập luyện, dần dần đôi chân cũng đã “thuận” theo ý của tôi. Giờ thì tôi có thể sảy gạo, quét nhà, hay khâu vá… bằng chính đôi chân của mình”.
Khi đôi chân của bà khéo léo chẳng khác gì đôi tay, bà Hành nhận sảy gạo cho người dân trong vùng. Khắp vùng Hương Vân không ai không biết bà Hành không tay sảy gạo điêu luyện. Bà chia sẻ, ngày đó, cứ mỗi mùa gặt đến, gia đình tôi chính là điểm sảy gạo rôm rả nhất vùng. Nhờ sảy gạo thuê nên mỗi ngày cũng kiếm được chút ít phụ giúp thêm cho chị gái. Nhưng nay, tuổi cũng đã nhiều nên tôi không thể ngồi lâu được. Việc sảy gạo cũng ít hơn không còn như trước.
Nhìn cô em gái thiệt thòi, bà Màn chia sẻ: “Ngoài việc khâu vá, sảy gạo thì việc nhà cửa cũng được Hành quét, dọn dẹp gọn gàng, tinh tươm bằng chân. Mùa này tôi thường xuyên phải đi làm thuê sớm, mọi việc trong nhà đều do Hành tự làm”.
Đã từ lâu, hình ảnh hai chị em bà Hành dắt nhau đi trên con đường làng đã quá đỗi quen thuộc với người dân. Dù không tay, thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn cố gắng để vượt qua mọi mặc cảm cuộc đời để sống. “Mỗi ngày tôi được làm việc là niềm vui đối với tôi. Tôi chỉ mong sao được khỏe mạnh để đỡ đần chị gái, chị ấy đã vì tôi mà hi sinh cả cuộc sống riêng tư để lo cho tôi cho tới ngày hôm nay”- bà Hành tâm sự.