Cách đây tròn 50 năm, ngày 12/11/1965, chiến thắng Bàu Bàng của quân và dân miền Đông Nam bộ đã ghi một điểm son trong trận đầu thắng Mỹ. Kể từ đó, Bàu Bàng là vùng đất đi vào huyền thoại với những trận đánh oai hùng, đi đầu mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà diệt” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
Tham vọng “đánh gãy xương Việt cộng”
Sau thất bại ở Bình Giã, Đồng Xoài và nhiều nơi khác ở chiến trường miền Nam, nguy cơ phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang hiển hiện từng ngày.
Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã tung vào Việt Nam Sư đoàn 1 bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ”. Đây là sư đoàn từng tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới và luôn bất khả chiến bại - được trang bị vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất. Cùng với đó là Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới vào chiến trường Việt Nam từ giữa năm 1965 để tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt – Bình định – Đánh gãy xương sống Việt cộng”.
Ngày 12/7/1965, “Anh cả đỏ” đã có mặt chốt giữ tại Lai Khê (Bến Cát) nhằm càn quét dọc hai bên quốc lộ 13 và thăm dò lực lượng của ta. Đầu tháng 11, Lữ đoàn 3 đưa 2 tiểu đoàn lên đóng chốt ở Bàu Bàng chuẩn bị phối hợp cùng với quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân càn quét vùng giải phóng, để giải tỏa và tiếp tế cho Dầu Tiếng.
Sư đoàn “Anh cả đỏ” và Trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn ở tư thế ra quân “tìm và diệt” trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, hình thành những nước đi đầu tiên của Mỹ để giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam, đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Trên chiến trường Bình Dương năm 1965 đến 1966, ngoài Tiểu đoàn Phú Lợi, các đại đội huyện, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của xã còn có lực lượng chủ lực Miền gồm: Trung đoàn Đồng Nai, Trung đoàn 5, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 và Đoàn 69 pháo binh.
Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Bàu Bàng - Dầu Tiếng nhằm tiêu hao sinh lực, phá kế hoạch hành quân “tìm diệt” của địch, phối hợp với chiến trường toàn Miền chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Hoàng Cầm làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn bộ binh 9; 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Bình Dương và du kích Bàu Bàng, Đồng Sổ cùng nhân dân trong địa bàn.
Cú đấm mạnh mẽ
Ngày 11/11/1965, trinh sát của Sư đoàn 9 (thuộc Bộ Chỉ huy Miền) nắm được thông tin “Anh cả đỏ” đang chuẩn bị tổ chức càn quét lên hướng Chơn Thành (Bình Phước). Ngay trong ngày 11/11, đặc công của Sư đoàn 9 đã liên hệ với lực lượng bộ đội địa phương tổ chức theo dõi sự di chuyển của chúng và ra mệnh lệnh cho các đơn vị hiệp động chặt chẽ, tấn công địch ngay trong đêm 11, rạng ngày 12/11/1965.
Tuân lệnh Bộ Chỉ huy, đúng 5 giờ sáng ngày 12/11, các đơn vị đã đồng loạt khai hỏa. Pháo của ta bắn chính xác vào trận địa địch. Ngay từ loạt bắn đầu tiên, pháo của ta đã phá hủy nhiều xe tăng. Bị đánh bất ngờ, sau khi tổ chức lại đội hình, địch điên cuồng phản công. Do dự đoán trước tình hình, phía ta tăng cường thêm hai tiểu đoàn đến trận địa tiếp tục tấn công mãnh liệt vào đội hình quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, phải đến khi một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1 với chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” dũng cảm thọc sâu vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ thì mới quyết định cục diện trận đấu. Sở chỉ huy bị đánh, quân lính Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Đến khoảng 10 giờ, quân ta chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa.
Kết thúc trận Bàu Bàng, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng – thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” của Mỹ đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Trên 2.000 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến, gần 40 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng bị bắn cháy hoặc phá hủy.
Sau trận Bàu Bàng, Sư đoàn 9 cơ động lực lượng về khu vực Dầu Tiếng, sẵn sàng đánh địch càn quét. Ngày 21/11, Tiểu đoàn 4 vận động phục kích địch trên đường Căm Xe - Dầu Tiếng, phá 20 xe và diệt gần 100 tên Mỹ. Cùng ngày, Trung đoàn 3 tập kích địch ở làng 10 đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn, phá 26 xe.
Ngày 26/11, trên khu vực phía bắc Dầu Tiếng, Chiến đoàn 7 quân đội Sài Gòn dừng lại trú quân dã ngoại ở khu vực Làng Tám. Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 nhận lệnh tập kích chiến đoàn này. Sáng ngày 27/11, Trung đoàn sử dụng cả 3 tiểu đoàn và lực lượng tăng cường hình thành 3 hướng tiến công Chiến đoàn 7 trong rừng cao su của Đồn điền Mít-sơ-lanh.
Trận đánh diễn ra quyết liệt và kéo dài tới quá trưa. Ta tiêu diệt gần hết Chiến đoàn 7, Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn, bắt 700 tù binh, trong đó có trung tá trung đoàn trưởng, bắn cháy 2 máy bay, thu 220 vũ khí các loại, 22 máy thông tin. Đây là trận then chốt thứ hai thắng lợi, kết thúc chiến dịch.
Kết quả chiến dịch làm thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 Sư đoàn 1 Mỹ và Chiến đoàn 7 quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến hơn 4.000 địch, phá hủy 10 khẩu pháo và cối, hơn 100 xe quân sự, bắn rơi 2 máy bay. Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ vào đối tượng quân Mỹ.
|
Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng |
Có thể nói, trận Bàu Bàng là một nỗi đau trong lịch sử của Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ. Một đơn vị được mệnh danh là “Anh cả đỏ” bất khả chiến bại đã phải thảm bại trước một đội quân vừa mới được thành lập không lâu. Thất bại này đã biến âm mưu bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng của chính quyền Giôn-xơn xem như đã bị phá sản hoàn toàn.
Về phía quân đội ta, chiến thắng Bàu Bàng – Dầu Tiếng thực sự là một chiến công chói lọi, làm nức lòng quân và dân cả nước, có ý nghĩa rất quan trọng. Ta đã bẻ gãy một cánh quân địch càn vào vùng căn cứ của ta, đánh một đòn đau vào Lữ đoàn 3 Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ được mệnh danh là “Anh cả đỏ”, một đơn vị thiện chiến nhất; ý chí, tinh thần chiến đấu của lính Mỹ bắt đầu giảm sút nghiêm trọng.
Lực lượng của ta đã giành và phát huy quyền chủ động tiến công suốt từ đầu đến cuối chiến dịch, tập trung lực lượng đánh trận then chốt và khả năng đánh tiêu diệt lớn từng đơn vị địch của quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng cũng là một thành công nổi bật của nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật trong chiến dịch tiến công. Lần đầu tiên quân ta sử dụng lực lượng tập trung (sư đoàn thiếu) vào một trận tập kích với điều kiện thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp, đánh ban ngày với đối tượng mới là quân Mỹ.
Chiến dịch giành thắng lợi là nguồn cổ vũ cho quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. Chiến thắng Bàu Bàng – Dầu Tiếng củng cố niềm tin đánh thắng quân Mỹ, mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà diệt” ,”Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” trong các lực lượng vũ trang miền Nam.
Chuyển mình phát triển
5 thập niên đã đi qua kể từ trận đánh oai hùng ấy, cùng với sự chuyển mình phát triển đi lên của tỉnh Bình Dương, Bàu Bàng đã thay da đổi thịt. Vùng đất đầy bom đạn năm xưa đang mang hơi thở của cuộc sống mới, cuộc sống của những con người hăng say lao động và tận hưởng những thành quả lao động của mình với các tiện nghi của xã hội.
Ngày 1/4/2014, huyện Bàu Bàng được chính thức thành lập. Kể từ đó đến nay, kinh tế - xã hội của Bàu Bàng ngày một phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm ước đạt 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ước đạt 56,4% (công nghiệp) - 26,1% (dịch vụ) - 17,5% (nông nghiệp) vào cuối năm 2015.
Kinh tế phát triển là điều kiện tiền đề để Bàu Bàng đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay toàn huyện có 7/7 xã được công nhận hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông; 7/7 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và đảm bảo các chương trình mục tiêu y tế quốc gia và phòng chống dịch bệnh trên người hàng năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,24%. Thu nhập của người dân ngày một ổn định, đạt bình quân 34 triệu đồng/người/năm.
Bàu Bàng hôm nay đang vững bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập theo xu thế phát triển của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ trong những năm tiếp theo.