Mùa Đông năm 1946, sau hơn một năm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, “chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận Sở chỉ huy Phòng không - Không quân động viên, theo dõi bộ đội chiến đấu |
“Giờ chiến đấu đã đến”
Đứng trước thử thách đầy cam go này, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo, chỉ huy quân - dân cả nước xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phá đường, phá cầu, ngăn sông, chặn bước tiến quân của địch; chỉ đạo quân, dân Thủ đô xây dựng kế hoạch tác chiến theo chiến thuật “cài then cửa”, đánh du kích trong thành phố với phương thức khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, kết hợp phục kích của tổ, đội với bắn tỉa của từng cá nhân, kết hợp trong đánh, ngoài vây, kết hợp tiến công với phòng ngự, tiêu hao địch, ngăn chặn không cho chúng đánh rộng ra vùng ngoại ô.
Và theo cách đánh đó, quân - dân Thủ đô Hà Nội đã giam chân địch trong thành phố dài ngày, tạo điều kiện cho cả nước chủ động, tích cực, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ hy sinh và đi đến toàn thắng.
Trong đêm 19 tháng 12 năm ấy, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã gửi cho các liên khu, các đơn vị, các địa phương toàn quốc, trong đó có quân - dân Hà Nội, bức điện lịch sử, thể hiện ý chí quyết tâm giữ gìn và bảo vệ đất nước: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước. Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Tiêu diệt bọn thực dân Pháp. Quyết chiến! ”...
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh |
Trong 60 ngày đêm Hà Nội khói lửa ngút trời, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã sát cánh cùng cơ quan chỉ huy theo dõi từng trận đánh của Vệ quốc đoàn ở Pháo đài Láng, Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân và kịp thời ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội khi đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm trong lòng địch, tiêu biểu cho chí khí anh hùng của một quân đội còn non trẻ, của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ, hiên ngang chống lại một quân đội đế quốc hùng mạnh…
Vít cổ “pháo đài bay”
Mùa Đông năm 1972, nghĩa là sau đó 26 năm, trong bước đường cùng, Mỹ đã đưa B-52 đánh phá Hà Nội - Thủ đô yêu quý của chúng ta.
Trong thời điểm lịch sử đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tích cực chỉ đạo cơ quan tham mưu chiến lược xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B-52; chỉ đạo cơ quan nắm địch, nắm chắc tổ chức lực lượng, mọi động thái hoạt động của địch; chỉ đạo lực lượng phòng không ba thứ quân, tổ chức xây dựng thế trận phòng không nhân dân, huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ - chiến thuật, sức mạnh chiến đấu sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống; đặc biệt chỉ đạo Binh chủng Tên lửa và bộ đội không quân, lực lượng cơ bản, chủ yếu tập trung đánh địch.
Và khi mọi sự đã được chuẩn bị chu đáo, Tổng Tư lệnh có mặt tại vị trí chỉ huy của mình trong Tổng Hành dinh, cùng cơ quan tham mưu chiến lược đấu trí với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ để làm nên một Điện Biên Phủ thứ hai trong chiến tranh Việt Nam, “Điện Biên Phủ trên không”, hạ gục máy bay B-52 Mỹ ngay trong đêm đầu tiên, đánh gục ý chí của giới quân sự Mỹ muốn ta phải chấp nhận những điều kiện bất lợi theo ý đồ của chúng trên bàn Hội nghị Paris.
16h ngày 18/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu thông báo cho Quân chủng Phòng không - Không quân biết có 33 máy bay B-52 xuất kích từ sân bay Anđécxen, đảo Guam, nhiều khả năng đánh phá miền Bắc. Quân chủng Phòng không - Không quân nhận định chắc chắn B-52 sẽ đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị trước 17 giờ. Lúc 19h10, Trung đoàn ra-đa 291 ở Nghệ An phát hiện được nhiễu cùng nhiều tốp B-52 đang bay trên không phận Lào lên phía bắc Việt Nam.
Nhận được báo cáo từ Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân B-52 đang bay vào Hà Nội, Cục Tác chiến báo cáo và được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đồng ý phát lệnh báo động cho Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải và một số tỉnh miền Bắc.
Lúc đó là 19h15, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng đã có mặt tại Sở Chỉ huy “Tổng Hành dinh” cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.
Từ 19h40 ngày 18/12/1972, thực hiện chiến dịch Lainơbêchcơ II, Mỹ đã huy động 90 lần chiếc B-52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp ba đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội và phụ cận: các sân bay Kép, Nội Bài, Gia Lâm, Hoà Lạc, Yên Bái, khu vực Đông Anh, Yên Viên, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì. Đêm 18/12, đêm mở đầu chiến dịch phòng không, đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng, quân và dân ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52 của Mỹ...
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Lainơbêchcơ II, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B-52, hơn 1000 lần chiếc máy bay chiến thuật, có F111, sử dụng các khí tài điện từ gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt gần 20.000 tấn bom xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số nơi khác; đỉnh cao là việc sử dụng máy bay B-52 ném bom rải thảm mang tính chất huỷ diệt vào các khu đông dân cư ở Thủ đô Hà Nội.
Để đánh bại chiến dịch Lainơbêchcơ II của không quân Mỹ, theo kế hoạch đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phê chuẩn, ta đã huy động 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn ra-đa, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tham gia chiến đấu.
Với lực lượng và thế trận được chuẩn bị trước và sẵn sàng chiến đấu cao, các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, bằng chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F111, diệt và bắt nhiều giặc lái.
Chiến đấu với B-52 |
Cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng bị thất bại, ý đồ tìm thế mạnh của Ních-xơn bị đập tan. Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 của quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược giao cho. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược rất lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, có ý nghĩa lớn trong nước và cả quốc tế.
Cùng với cuộc tiến công chiến lược 1972 của quân và dân miền Nam, chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng với thắng lợi đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ là đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải kí Hiệp định Paris, lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.
Lịch sử sẽ đi qua, nhưng âm vang hào hùng của cuộc chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô yêu quý mùa Đông năm 1946 và chiến thắng vang dội của quân và dân Thủ đô trong chiến dịch phòng không Hà Nội, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ mùa Đông năm 1972 còn vang mãi với ý chí và trí tuệ Việt Nam, với bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quyết đánh và quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược.