Nỗi đau phụ huynh đưa con vào trường giáo dưỡng

(PLVN) - Phải đến khi dắt con mình bước vào trong môi trường ấy, nhiều bậc phụ huynh mới đủ can đảm để nhận ra những sai lầm, thiếu sót của mình trong việc dạy dỗ con cái. Cũng phải đến khi nhìn thấy con mình sống trong môi trường giáo dục ấy, nhiều cha mẹ mới hiểu được những giá trị thật sự của việc giáo dục trong gia đình. Hành vi sai trái, lệch chuẩn, khờ dại vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên đã đẩy các em đi quá xa…
Trung tá Vũ Thị Quý, giáo viên Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình
Trung tá Vũ Thị Quý, giáo viên Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình

Khá Bảnh từng là “trùm” trường giáo dưỡng

Là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em ở xã Tam Sơn. Năm 17 tuổi, Khá bị đưa vào trại giáo dưỡng vì gây rối trật tự công cộng. Cuối năm 2014, Khá lại bị nhà chức trách địa phương xử phạt 2,5 triệu đồng vì có hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Giữa năm 2016, Khá bị TAND thị xã Từ Sơn phạt 5 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

Đầu tháng 4/2019, Khá cùng 5 đồng phạm bị Công an thị xã Từ Sơn bắt, khởi tố về hành vi Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc. Trước vành móng ngựa, Khá đã thành khẩn khai báo, thừa nhận những hành vi phạm tội của mình. “Biết là sai song vẫn làm vì tuổi trẻ nông nổi không suy nghĩ được nhiều”, Khá giải thích cho những sai lầm của bản thân.

Ở một góc nọ, người mẹ của Khá ngồi cúi người, nước mắt giàn giụa. Bà phân trần con trai "có máu" chơi lô đề, thấy đám bạn gần nhà làm vậy nên "mới ùa theo". Từ khi có tiền từ quảng cáo thu được từ làm video và làm nghề mộc, Khá đã xây nhà cho mẹ song đang dang dở thì bị bắt.

Có thể hiểu và thông cảm cho người mẹ vì sinh ra một đứa con hư hỏng. Nhưng nỗi đau từ sâu thẳm trong lòng của người mẹ này, chắc hẳn không mấy ai có thể hiểu được.

Đau vì sinh con ra không dạy bảo con nên người, hết lần này đến lần khác phạm tội, để rồi đứa con ấy bị pháp luật trừng trị, đau vì đứa con của mình ăn cơm tù nhiều hơn ăn cơm nhà và đau nhất là khi cả xã hội nhìn vào đứa con của mình như một điển hình của một thế hệ thanh niên với lối sống buông thả, thiếu văn hóa, lệch lạc về chuẩn mực, giá trị con người.

Khá Bảnh nổi tiếng từ việc khoe mình từng đi trường giáo dưỡng
Khá Bảnh nổi tiếng từ việc khoe mình từng đi trường giáo dưỡng

Vụ việc của Khá Bảnh được quan tâm là bởi Khá là một “hiện tượng mạng”, những hành vi, lời nói, mọi diễn biến trong cuộc sống hằng ngày Khá đều cho mình sứ mệnh đăng tải trên kênh youtube của mình. Điều đáng nói, nhiều bạn trẻ đã ngưỡng mộ Khá như một thần tượng… lệch chuẩn.

Và hành trình  những đứa con ngỗ ngược 

Những trường giáo dưỡng đều không thiếu những Khá Bảnh, mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, một cuộc sống khác nhau, nhưng xuất phát điểm để bước vào cánh cửa này đều là những hành vi sai trái, lệch chuẩn, thiếu hiểu biết, vi phạm pháp luật. Cũng không thiếu trường hợp cha mẹ tự nguyện đưa con cái vào trường giáo dưỡng, nhưng điều đó cũng phản ánh sự bất lực của gia đình trong việc tạo ra một môi trường lành mạnh để con cái trưởng thành và phát triển.

P.T.C là một ví dụ tại Trường Giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình). Từ nhỏ đến lớn, C. luôn là một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời cha mẹ. Quá trình học tập, C. phấn đấu trở thành học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến suốt quãng đời tiểu học.

Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình, mẹ của C. đã phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, để lại đứa con trai ở nhà với bố. Thiếu vắng sự quan tâm, bảo ban của người mẹ, từ một học sinh khá, giỏi của lớp, C. tụt dần xuống học sinh trung bình, rồi dần, C. trượt dốc không phanh trên con đường học tập ở trường, bố C. không biết bởi ông còn mải mê với việc mưu sinh, kiếm tiền nuôi con. 

Hết lớp 6, sang lớp 7, C. ngang nhiên hút thuốc lá trước mặt thầy giáo. Bị thầy mắng, cậu còn thách thức, để rồi bị đuổi học. Đến lúc ấy, người cha mới biết sự việc. Chửi mắng, đánh đập, ép buộc mãi, cuối cùng C. mới quay trở lại trường. Việc học không còn hứng thú, cha suốt ngày đi sớm về khuya, hay chửi mắng, đánh đập khiến C. chán nản, bỏ nhà đi lang thang, đàn đúm cùng đám thanh niên bất hảo, có số má ở địa phương và dính vào ma túy lúc nào chẳng hay.

Người mẹ đang ở Đài Loan biết chuyện “ăn không ngon, ngủ không yên”, và càng không thể ngờ đứa con ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ lại có thể dính vào ma túy. Bỏ hết mọi công việc dang dở, người mẹ tức tốc trở về để chứng kiến những gì đang xảy ra với đứa con trai của mình. Và rồi C. được mẹ đưa vào trường giáo dưỡng. 

Nói chuyện với chúng tôi, người mẹ không khỏi xót xa cho số phận của đứa con trai. Chỉ vì thiếu sự dạy dỗ, thiếu tình thương mà chính tay mình phải dẫn đứa con ngoan ngoãn vào trường giáo dưỡng. “Tôi không thể hình dung thằng bé lại trở nên như vậy, dù biết là khó khăn, biết là những lời dị nghị, gièm pha của hàng xóm, láng giềng, nhưng tôi chấp nhận tất cả, chỉ mong sau khi trở về, nó sẽ lại là đứa con ngoan ngoãn của tôi như ngày nào”, mẹ C. vừa nói vừa lấy tay lau vội những giọt nước mắt.

Trong một chuyến công tác, chúng tôi đã tiếp xúc với hai thủ phạm giết người, cướp tài sản. Đặc biệt ở chỗ, chủ mưu của vụ trọng án này lại là hai cô gái chưa đến tuổi thành niên. Do không có tiền tiêu xài,  L.M. D. (Rạch Giá, Kiên Giang), đã nghe lời dụ dỗ của cô bạn, rồi hai cô gái lên một chiếc xe ôm đi đến đoạn đường vắng, D. đã cầm con dao chuẩn bị sẵn đâm lái xe tử vong, rồi cướp hết tài sản.

D. cho biết cô bé không biết cha mình là ai, từ nhỏ sống với mẹ. Mẹ nghèo và sau đó đi thêm bước nữa, rồi sinh thêm nhiều em nên dường như không quan tâm gì đến em. Mẹ của D. đã không thể đứng vững khi biết đứa con gái của mình bị công an bắt, càng không thể tưởng tượng nổi chính đứa con gái chân yếu, tay mềm của mình lại có thể cầm dao đâm chết người. Bầu trời như sụp đổ, phải mất nhiều thời gian sau đó, người mẹ ấy mới đủ bình tĩnh và can đảm để đối diện với sự thật phơi bày trước mắt.

Người phụ nữ ấy cuối cùng cũng hiểu được chính sự bỏ bê, không quan tâm giáo dục con cái đã dẫn tới việc đứa con thiếu tình thương, để rồi đứa trẻ lạnh lùng ra tay tàn nhẫn với người khác. Đau khổ, dằn vặt, ân hận có lẽ là những điều sẽ ám ảnh với người mẹ này cả cuộc đời.

Nhưng cái cái mất của chị chính là đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra chưa kịp trưởng thành, đã trở thành một sát nhân bị cộng đồng xã hội lên án. Và cho đến khi đứa trẻ ấy hiểu ra được mọi chuyện thì cả một thời thanh xuân của đời người đã bị thay thế bởi những tháng năm bị giáo dục khắc nghiệt trong môi trường giáo dưỡng.

Các em tại trường giáo dưỡng chia sẻ với phóng viên về hoàn cảnh của mình
 Các em tại trường giáo dưỡng chia sẻ với phóng viên về hoàn cảnh của mình

Một trường hợp khác là H.H.H. (18 tuổi, đến từ Lâm Đồng) nhiều lần ăn trộm đồ của gia đình để đi chơi điện tử. H. có gương mặt sáng, nói chuyện lễ phép khi kể về chuỗi ngày tháng rong chơi, nghịch ngợm của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, H. kể rằng khi còn ở ngoài, H. trên không sợ trời, dưới không sợ đất, mẹ đưa tiền đóng học phí thì lấy tiền chơi điện tử, hết tiền về nhà xúc trộm tiêu, cà phê mang đi bán. Mẹ H. khuyên bảo nhiều lần không được đã nhờ công an xã chỉ bảo, dọa nạt nhưng H. cũng chẳng sợ.

Thậm chí có lần ăn trộm nhiều đồ, mẹ đã kêu công an giữ ở trụ sở, H. cùng các bạn phá cửa phòng rồi bỏ trốn. Cực chẳng đã mẹ H. làm đơn đề nghị đưa H. đi trường giáo dưỡng. 

Nơi các em tìm lại chính mình

Môi trường giáo dưỡng dường như vừa đủ để giáo dục những đứa trẻ như H. trở thành những công dân tốt hơn cho xã hội. Mỗi một mảnh đời khép mình trong đó là những câu chuyện riêng, được được chắp vá từ những mảnh ghép đầy hỗn độn của xã hội. 

Phải đến khi dắt con mình bước vào trong môi trường ấy, nhiều bậc phụ huynh mới đủ can đảm để nhận ra những sai lầm, thiếu sót của mình trong việc dạy dỗ con cái. Cũng phải đến khi nhìn thấy con mình sống trong môi trường giáo dục ấy, nhiều cha mẹ mới hiểu được những giá trị thật sự  của việc giáo dục trong gia đình.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Vũ Thị Quý, một giáo viên trường giáo dưỡng cho biết: Do hoàn cảnh khác nhau và khi sống trong môi trường tập thể, mỗi em đều có tính cách khác nhau, nên sự xung đột, mâu thuẫn là chuyện xảy ra thường xuyên. Những người làm công tác giáo dục tư tưởng, hành vi cho các em phải rất vất vả để dung hòa mọi thứ xung quanh các em.

Các giáo viên phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe các em tâm sự, ăn uống, vui chơi cùng các em thì mới hiểu hết được hoàn cảnh và những mong ước tưởng như đơn giản trong mỗi đứa trẻ ấy: “Việc các phụ huynh không quan tâm, không biết cách để thấu hiểu tâm tư của con cái đã khiến cho các em thiếu thốn tình cảm, thiếu kiến thức, thiếu sự uốn nắn trước những hành vi sai trái xảy ra xung quanh”, vị giáo viên này cho biết.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, trong ba năm từ 2016 đến 2018, toàn quốc đã phát hiện 13.794 vụ án với 20.367 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trong các tội danh mà người dưới 18 tuổi phạm tội, có thể thống kê một số tội danh như sau: Giết người là 183 vụ với 293 đối tượng; Cướp tài sản là 475 vụ với 830 đối tượng; Cưỡng đoạt tài sản là 88 vụ với 111 đối tượng; Cố ý gây thương tích là 2.017 vụ với 3.797 đối tượng; Trộm cắp tài sản là 5.565 vụ với 7.611 đối tượng; Cướp giật tài sản là 505 vụ với 627 đối tượng.

Đọc thêm