Giữ "trần" để đảm bảo ổn định chính sách...
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015 - 2020), trong đó, tổng cộng 12.335 ngôi nhà, căn hộ đã được bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, riêng TP Hồ Chí Minh là 10.020 ngôi nhà và căn hộ, chiếm 81,2%.
Thống kê của HoREA được thực hiện ở 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lớn. Nếu giả định 17 tập đoàn và doanh nghiệp lớn nói trên chiếm khoảng 70 - 80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.
Tại TP Hồ Chí Minh, các căn hộ đã được bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài là 10.020 ngôi nhà và căn hộ, chiếm 81,2% cả nước trong vòng 5 năm qua. |
Trong đó, 5 tập đoàn lớn là Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, CBRE, Hưng Thịnh được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, riêng Vingroup chiếm tỷ lệ cao nhất - 40%.
“Như vậy, nếu lấy con số 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường BĐS cả nước trong 10 năm (2009 - 2019) của Bộ Xây dựng, có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển khoảng 787.000 căn nhà, thì tỷ lệ nhà bán cho người nước ngoài chỉ chiếm tương đương 2% tổng số nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết.
Theo ông Châu, thực tế thị trường cho thấy, không có làn sóng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chỉ những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp, hiện đại, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện… mới thu hút được người nước ngoài lựa chọn cư trú hoặc mua nhà.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều người nước ngoài mua nhà nhất, chiếm khoảng 80% tổng số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Các chủ đầu tư dự án nhà ở cũng đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn “trần” 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài. Tại một số dự án đã đạt 30%, như: Gateway Thảo Điền, Nassim, Thảo Điền Pearl…, người nước ngoài đã chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà” dài hạn 50 năm.
HoREA cho rằng, đang có xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kéo theo đó là khả năng nhiều chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài tập trung sinh sống ở một số địa phương.
Về giới hạn “trần” tỷ lệ nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu trong dự án, theo HoREA, vẫn nên giữ giới hạn “trần” số lượng nhà ở mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Đồng thời, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỉ lệ người nước ngoài được sở hữu nhà tại đơn vị hành chính cấp phường, để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trường hợp số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường chiếm tỉ lệ khá lớn (có thề từ 20% trở lên), UBND cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
...Hay nới "trần" để thu hút đầu tư?
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA góp ý chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ condotel, mà chỉ chấp nhận đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư. |
Trước ý kiến đề xuất của HoREA, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng, hiện nay thị trường BĐS đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng. Việc mở cửa thị trường BĐS cho người nước ngoài sở hữu là một kênh thu hút vốn hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, đối với loại hình nhà ở thương mại, nên dỡ bỏ trần sở hữu, không phải 30% mà có thể hơn. Trước đây, nhiều ý kiến lo ngại cho người nước ngoài sở hữu vượt 30% sẽ tạo ra một “làng” riêng, khó quản lý hành chính. Tuy nhiên, họ sống trên đất Việt Nam, chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, nên nới trần là điều không đáng lo ngại.
Còn đối với BĐS nghỉ dưỡng, nên dỡ rào cản, cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam (từ 3 năm trở lên) được mua loại hình BĐS này. Đây chính là lời giải cho bài toán BĐS nghỉ dưỡng trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi nhà đầu tư trong nước thờ ơ với condotel, khách du lịch nước ngoài chưa trở lại Việt Nam được.
“Để người nước ngoài sở hữu BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam, chỉ nên hạn chế ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng và có yếu tố chính trị.”- TS Hiếu nói.
Còn GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhìn nhận, hiện nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào dự án du lịch dưới dạng condotel, mặc dù pháp luật còn chưa rõ ràng nhưng nhà đầu tư nước ngoài đồng ý với thời hạn sử dụng đất 50 năm và họ có tiền đầu tư thì không có gì cản trở.
Điều này tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu sản phẩm như mô hình ngôi nhà thứ 2, để từ đó, họ tham gia vào kinh doanh với tư cách cá nhân, khai thác lợi nhuận từ sản phẩm mà mình sở hữu, đó là điều pháp luật cần mở rộng.
Không biết tiềm năng của việc cho phép người nước ngoài mua căn hộ du lịch nghỉ dưỡng sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng với những phân tích ở trên cũng như tâm lý, văn hoá của khách nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam thì kỳ vọng vào một sự bùng nổ một làn sóng người nước ngoài mua căn hộ nghỉ dưỡng chắc khó có thể tăng đột biến.