Tại Hội nghị, đại diện hơn 200 hộ kinh doanh trong và xung quanh khu vực chợ Đồng Xuân đã ký cam kết với cơ quan chức năng không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nỗi khổ “tiền mất, tật mang”
Vì hàng thật, hàng giả “nhập nhèm” lẫn lộn nên không ít người tiêu dùng đã phải gánh hậu quả xấu. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Minh Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM), có mua chiếc máy tính hiệu Casino để thi đại học nhưng quá trình làm bài thi, máy bị chập chờn, không sử dụng được, ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Anh Đức đã làm đơn khiếu nại gửi Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam TP.HCM. Hội đã chuyển thư khiếu nại và máy tính cho nhà phân phối độc quyền của hãng máy tính tại Việt Nam để kiểm tra thực tế thì được biết, chiếc máy tính anh Đức sử dụng làm bài thi là hàng giả.
Mặc dù bị mất tiền, kết quả bài thi bị ảnh hưởng nhưng xem ra trường hợp của anh Đức vẫn còn may mắn hơn cháu bé Hoàng Vũ, một bé trai mới 6 tuổi, bị hội chứng hoại tử da nhiễm độc do dị ứng (hội chứng Stevens Johnson) sau khi dùng phấn trang điểm ở trường.
Được biết, nhà trường tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ và Vũ đại diện cho lớp tham gia. Để các bé trông xinh xắn và bắt mắt hơn, cô giáo đã dùng mỹ phẩm để trang điểm cho bé Vũ trước khi lên hát. Loại phấn mà cô giáo sử dụng gắn mác Lancôme, xuất xứ từ Trung Quốc (Lancôme chính hãng được sản xuất tại Pháp) được mua ở một cửa hàng mỹ phẩm gần nhà với giá 110.000 đồng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cháu Vũ nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng khắp toàn thân, kèm bọng nước, lở loét niêm mạc môi miệng gây nhiễm trùng... Đối với bệnh tình của cháu, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải và gây nguy hiểm tính mạng.
Cũng trong cảnh “tiền mất, tật mang”, bệnh nhân V.V.Tr. (52 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) “được dịp” đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội với một bộ mặt đỏ tấy, sưng vù. Trước đó, ông Tr. được một người họ hàng tặng cho một tuýp thuốc nhuộm tóc có tên là Lancui 60ml. Sẵn thấy râu mình đã dài và trắng trông rất già, ông Tr. muốn trở nên trẻ trung hơn nên đã dùng tuýp thuốc nhuộm tóc để... nhuộm râu.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy tiếng bôi thuốc nhuộm lên râu thì cả vùng hàm mặt của ông Tr. trở nên đỏ ửng, ngứa không chịu được, nổi bọng và chảy nước. Quá sợ hãi, ông liên tục dùng nước lã để rửa sạch thuốc nhuộm trên râu nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Không biết làm cách nào, ông Tr. đành phải bịt kín mặt rồi đến Bệnh viện Da liễu để khám và chữa trị.
Trang bị kiến thức cho các hộ kinh doanh
Thông tin tại “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, ông Đỗ Thanh Lam Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, mỗi năm nhà nước kiểm tra xử lý hơn 12.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các phương thức gian lận ngày càng tinh vi và liên tục thay đổi, các mặt hàng bị vi phạm cũng đa dạng từ những mặt hàng có giá trị thấp đến cao, đặc biệt là hàng có thương hiệu, có giá trị kinh tế lớn thường bị làm giả nhiều hơn.
Đặc biệt, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đại diện các doanh nghiệp khuyến cáo, các tiểu thương, khi lấy hàng tại các đơn vị phân phối cần kiểm tra giấy tờ gốc của hàng hóa, dấu hợp chuẩn, hợp quy, xem xét kỹ tem chống hàng giả của sản phẩm… để đảm bảo quyền lợi của tiểu thương cũng như người tiêu dùng.
|
Phát biểu tại Hội nghị, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho hay: “Doanh nghiệp Nhật Bản hết sức quan tâm đến việc bảo vệ thích đáng quyền sở hữu trí tuệ như bản quyền, ý tưởng công nghiệp, thương hiệu là những tài sản được coi là sinh mệnh của doanh nghiệp.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngoài thị trường sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sản phẩm thật và hình ảnh của doanh nghiệp, dẫn đến những lo ngại khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Thông qua Hội nghị này, Nhật Bản mong muốn giúp các hộ kinh doanh Việt Nam, đặc biệt là các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả từ các sản phẩm hàng thật, hợp pháp; tạo khuôn khổ cần thiết để các nhà quản lý tham gia cùng những ngành công nghiệp bán lẻ ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Hoạt động này sẽ tạo tiền đề để nhà quản lý tham gia cùng các ngành công nghiệp bán lẻ ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa trên thị trường, tăng cường sự hợp tác giữa lực lượng chức năng và các hộ kinh doanh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống hàng giả, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cái khó “bó” việc xử lý vi phạm
Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo quyết liệt, số vụ bị xử phạt hành chính, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa nhiều hơn so với các năm trước. Qua đó có tác dụng răn đe hiệu quả hơn đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống hàng giả và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại chợ Đồng Xuân thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành của một bộ phận hộ kinh doanh còn kém, chưa nhận thức được tác hại của việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đáng chú ý, địa bàn hoạt động của chợ rộng, số hộ kinh doanh đông, trong khi đó nguồn nhân lực phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế về nghiệp vụ.
Đặc biệt, điều kiện hoạt động kinh doanh của người kinh doanh tại chợ còn nhiều khó khăn, phải chủ động tìm kiếm nguồn hàng, do vậy đã phụ thuộc vào các đối tượng buôn lậu, trốn thuế đưa hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hàng giả vào chợ…
Ông Thủy cho biết thêm, để chống hàng giả, hàng nhái, thời gian tới cần tập trung hơn nữa tuyên truyền nâng cao nhận thức các hộ kinh doanh tại chợ về chống hàng giả, hàng nhái. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. “Cùng với đó, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất với tiểu thương để có nguồn cung cấp hàng ổn định, hợp pháp cho bà con kinh doanh”, ông Thủy đề xuất.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng hàng giả, hàng nhái phát triển “chóng mặt” như hiện nay là do một bộ phận người tiêu dùng dù biết mình đang sử dụng các loại hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận.
Mặt khác, đáng quan ngại là vấn đề không biết phân biệt hàng thật với hàng giả, hàng nhái của một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí ngay cả các tiểu thương. “Việc phát hiện hàng giả, hàng nhái rất khó khăn, phải có trình độ mới xác định được. Bà con tiểu thương có hạn chế là hiểu biết ngoại ngữ, hiểu biết về nhãn hàng hóa nên không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả”, một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý hiện nay vẫn còn kẽ hở, nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái… Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng lũng đoạn thị trường, nhất là ở khâu phân phối, tiêu thụ.
Mức phạt hành chính tối đa với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Với hình thức sản xuất, buôn bán hàng giả phạt từ 200 triệu đồng/cá nhân, 400 triệu đồng/tổ chức; Hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả: 250 triệu đồng/cá nhân và 500 triệu đồng/tổ chức. Thậm chí có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 - 24 tháng.