Nỗi lo bệnh sốt xuất huyết trong dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Bạch Mai liên tục ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết với nhiều triệu chứng tương tự COVID-19, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cách nhận biết và phòng tránh bệnh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.

Thưa bác sĩ, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị bao nhiêu trường hợp sốt xuất huyết?

- Như chúng ta đã biết, mùa hè và mùa thu chuyển sang thời tiết mưa nhiều thì muỗi có cơ hội phát triển. Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Trung tâm bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai những ngày vừa qua cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH nặng, đến từ các quận nội thành rải rác ở Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm đến nay ghi nhận khoảng 30-40 ca mắc bệnh SXH, hiện đang điều trị 5-7 ca nặng có bệnh lý nền.

Hầu hết bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu như sốt cao, đau mỏi người, nhức trong xương khớp, đặc biết là đau hai bên thái dương, hốc mắt. Bên cạnh đó là sốt kéo dài liên tục, có những biểu hiện giống cảm cúm. Tuy nhiên cũng có nhiều biểu hiện không giống cảm cúm như bệnh nhân không có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi. Những ngày đầu, bệnh nhân có biểu hiện sốt là chính. Nếu không được chẩn đoán, phát hiện điều trị kịp thời thì những ngày sau sẽ có hiểu hiện của chấm sốt huyết ở dưới da, nặng hơn thì có biểu hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết hoặc là biến chứng nguy hiểm.

Từ ngày thứ 4, thứ 5 trở đi, bệnh nhân có biểu hiện máu bị cô đặc do huyết tương bị thoát ra khỏi lòng mạch dẫn đến hiện tượng sốc do giảm thể tích máu nguy cơ dẫn đến tử vong. Các biểu hiện triệu chứng sốc có thể không liên quan đến biểu hiện sốt xuất huyết cho nên là người dân cần hết sức lưu ý phát hiện sớm, để đi bệnh viện kịp thời.

Thưa bác sĩ, thời điểm này có thể bùng phát dịch sốt xuất huyết hay không?

- Sốt xuất huyết xảy ra vào sau mùa mưa, khoảng tháng 9 đến tháng 11 là đỉnh điểm của dịch. Chúng tôi ghi nhận bắt đầu có những ca bệnh đã xuất hiện từ thời điểm này, tuy chưa có thể bùng thành dịch lớn nhưng cũng cần phải chuẩn bị cho thời gian sắp tới. Theo chu kì là cứ 3 đến 5 năm, Hà Nội sẽ xảy ra một vụ dịch lớn. Mùa mưa muỗi sinh sản và phát triển mạnh mẽ nên nếu chúng ta lơ là thì nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết rất lớn. Năm 2017, chúng ta đã chứng kiến một vụ dịch lớn ở Hà Nội với khoảng 300.000 người mắc.

Làm thế nào để phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết với triệu chứng liên quan đến COVID-19 và những bệnh hô hấp khác?

- Sốt xuất huyết là bệnh rất kinh điển, có hại và nó tồn tại đã rất lâu năm. Tại tên bệnh đã thể hiện hai triệu chứng, đó là đặc trưng của sốt, sốt cao đột ngột và có biểu hiện xuất huyết ngoài da cũng như xuất huyết niêm mạc. Hai triệu chứng này nghe có vẻ không nhầm được với các bệnh khác, tuy nhiên thời kỳ đầu, nhất là những ngày đầu sẽ nhầm với các bệnh nhiễm virus nói chung hay chúng ta còn gọi là cảm cúm.

Sốt xuất huyết có những biểu hiện tương tự COVID-19.

Sốt xuất huyết có những biểu hiện tương tự COVID-19.

Bên cạnh đó, các chứng bệnh nhiễm trùng viêm đường hô hấp do căn nguyên vi khuẩn, cũng có thể gây ra với triệu chứng giống như vậy. Cho nên khi có các biểu hiện nghi ngờ là SXH cần phải xét nghiệm sớm. Hiện nay có xét nghiệm NS1Ag (là xét nghiệm phát hiện được kháng nguyên Dengue NS1 trong máu bệnh nhân ngay từ những ngày đầu) có thể phát hiện rất sớm từ những ngày đầu. Chúng ta cũng cần làm xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt, đặc biệt trong khi đang có dịch COVID-19 hiện nay. Nếu như bệnh nhân có sốt đau mỏi người, mất ngửi hay là ho, khó thở... thì cũng cần làm xét nghiệm COVID-19.

Trong tình hình quá tải và khó khăn trong công tác điều trị, người bị sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà không, hay phải tới bệnh viện?

- Bệnh SXH là bệnh cấp tính và cần phải được chẩn đoán theo dõi một cách chặt chẽ. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh cần phải được nhập viện và người dân không tự ý điều trị tại nhà nếu không có sự đồng ý của nhân viên y tế hoặc các bác sĩ chuyên khoa.

Sau quá trình thăm khám, sốt xuất huyết nhẹ thì có thể theo dõi tại nhà bằng cách dùng các thuốc giảm triệu chứng, uống hạ sốt, dùng thuốc giảm đau và uống nhiều nước các nước như là oresol để bù điện giải hoặc là các nước hoa quả, sau khoảng 5 đến 7 ngày sẽ giảm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, các bệnh nhân có thể chuyển sang giai đoạn nặng hay gọi là dấu hiệu cảnh báo thì phải lưu ý các biểu hiện triệu chứng như: bệnh nhân sốt vật vã li bì không ăn uống được, có biểu hiện đau bụng, đau vùng gan, nôn nhiều, chân tay lạnh, bứt rứt, mạch nhanh, có biểu hiện khó thở hoặc huyết áp tụt, tiểu ít, những biểu hiện này thường xuất hiện vào ngày thứ 4, thứ 5.

Những trường hợp như vậy cần phải được đến các cơ sở y tế kịp thời để được điều trị bằng các phác đồ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, có thể nhiều người xuất hiện các triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng dịch bệnh ngại không đi khám bệnh. Điều này rất nguy hiểm có thể dẫn đến tai biến, do vậy cần phát hiện sớm và liên hệ với bác sĩ để đi khám bệnh kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết không có vắc xin nên chúng ta cũng phải áp dụng các biện pháp dự phòng thụ động. Người dân cần ăn uống đủ chất, uống nhiều vitamin và tập thể dục tăng cường vận động. Trong những ngày phòng, chống COVID-19, mọi người ở trong nhà và hạn chế đi ra ngoài thì môi trường ở trong gia đình phải đảm bảo thoáng, giãn cách, vệ sinh sạch sẽ và bảo vệ cho bản thân không bị muỗi đốt như mặc quần áo, sử dụng các loại kem, hương chống muỗi.

Đọc thêm