“Siêu Ủy ban” chỉ quản lý 30 doanh nghiệp (!?)
Theo dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, mục tiêu thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) là quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước; thực hiện chuyên trách, chuyên nghiệp chủ sở hữu nhà nước, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của Nhà nước trong nền kinh tế; cải cách, cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và quản trị tài sản; đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN theo quy luật thị trường.
Dự thảo nêu rõ, Ủy ban sẽ chỉ quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đối với 30 DN trong các lĩnh vực như điện lực, dầu khí, than - khoáng sản, dệt may, viễn thông, hóa chất, cà phê, đường sắt, hàng hải, hàng không… Các DNNN trực thuộc Ủy ban cấp tỉnh thì vẫn do cơ quan này quản lý. Các DN quốc phòng và an ninh sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước là do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các bộ quản lý ngành, chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu với các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến băn khoăn khi dự thảo đưa ra mô hình Ủy ban là một cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), không có gì khác so với hiện tại, do đó mục tiêu tách chức năng QLNN ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu sẽ khó được thực thi.
“Khi 30 DN này được đưa về Uỷ ban quản, trong khi Ủy ban này thuộc cơ quan hành chính của Chính phủ mặc dù không ban hành văn bản pháp luật nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về báo cáo, tham mưu… Trong khi cơ quan QLNN bao giờ cũng có độ trễ nhất định, vì vậy việc có đảm bảo được mô hình quản trị DN hay không hoặc có cơ chế quản lý khác mô hình DN còn nhiều băn khoăn…”, ông Tiến phân tích.
Mặt khác, mô hình của Ủy ban này vẫn chưa giải quyết triệt để được việc quản lý hiệu quả đồng vốn của Nhà nước tại DNNN. Trong khi Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội hướng đến thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản thống nhất nhưng mô hình này chưa giải quyết được điều đó. Trong dự thảo chỉ có 30 DN lớn ở Trung ương thuộc diện đưa về Ủy ban quản lý, còn các DN ở địa phương sản xuất kinh doanh sẽ không được đưa về đây. Ngoài ra, còn có các DN quốc phòng an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước quản lý…
Thêm một SCIC?
Mặc dù chức năng có khác mô hình TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nay, song không ít người đặt câu hỏi: Vậy “siêu” Tổng Công ty này sẽ thế nào nếu “siêu Ủy ban” được thành lập?
Theo dự thảo, Ủy ban sẽ thay mặt cho nhiều bộ, ngành vừa làm công tác quản lý vừa điều hành sản xuất kinh doanh. Theo ông Tiến, để làm được điều rất khó này Nhà nước sẽ phải thu hút được nhân tài của nhiều lĩnh vực thì mới có có đủ năng lực để phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau.
Còn nhớ, 10 năm trước đây, trong giai đoạn đầu hoạt động, bên cạnh việc quản lý hiệu quả vốn đầu tư, SCIC làm cả việc quản lý lao động, sản xuất, kinh doanh dẫn đến không hiệu quả. Do đó, hiện nay vai trò của “siêu” Tổng công ty này chỉ là đơn vị quản lý đầu tư với mục tiêu hàng đầu là bảo toàn, gia tăng vốn đầu tư.
Mặt khác, thành lập Ủy ban cùng với khối lượng công việc nhiều như vậy sẽ phải tuyển thêm người đồng nghĩa bộ máy hành chính nhà nước phình thêm trong khi tiền chi hoạt động của cơ quan này là tiền ngân sách.
Trên tất cả, điều mà đại diện Bộ Tài chính lo ngại hơn cả tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN bởi 30 DN đưa về Ủy ban này đều nằm trong diện cổ phần hóa sắp tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo hướng thu gọn lại số lượng DNNN chỉ còn khoảng 200.
Theo đề xuất của Cục Tài chính DN, nếu không thể khắc phục được những hạn chế này thì cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và đưa các DNNN về SCIC để tránh lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hiện nay là cần thúc đẩy cải cách DNNN để tạo sân chơi bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ đã đề ra.