Nỗi niềm cô giáo dạy trẻ tự kỷ

(PLO) - “Không chỉ căng thẳng về việc dạy những đứa trẻ tự kỷ, hiếu động, chúng tôi còn chịu áp lực trước phụ huynh. Mệt mỏi, nhưng khi thấy các em làm được những điều đơn giản như ngồi yên vào ghế 5 phút, bật ra những tiếng gọi hay tự cầm thìa xúc cơm ăn là chúng tôi hạnh phúc lắm, quên bao mệt nhọc”. Đó là tâm sự của cô giáo Tôn Thị Trí (SN 1985), giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An. 
Dạy trẻ tự kỷ ngoài chuyên môn còn cần tình thương và lòng nhẫn nại

Lớp học đặc biệt không giáo án

9 năm gắn bó với việc dạy trẻ tự kỷ tại Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An nên cô Trí trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn. Cô tâm sự, cũng là giáo viên, nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Bởi, đối tượng các cô dạy là những đứa trẻ không may mắn mắc chứng tự kỷ, không tiếp xúc với ai, hoặc quậy phá, có những em chậm nói, không nhận biết những điều xung quanh.

Theo cô Trí, khó khăn đầu tiên của công việc dạy học trẻ tự kỷ không chỉ hướng dẫn học sinh mà làm sao để bố mẹ các em chấp nhận sự thật. Bởi hầu hết các phụ huynh đưa con tới lớp học đặc biệt ở Quỹ bảo trợ trẻ em đều không chấp nhận việc con mình phải mang căn bệnh này suốt đời. Do vậy, công tác đả thông tư tưởng cho các phụ huynh chiếm vai trò quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị: “Chỉ khi thông tư tưởng, chấp nhận sự thật thì các phụ huynh mới đồng hành với giáo viên trong suốt quá trình điều trị”, cô giáo Trí chia sẻ.

Tiếp đó những giáo viên như cô Trí bắt đầu tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Điều này đòi hỏi phải kiên nhẫn. Có em đã lên 6- 7 tuổi nhưng như trẻ vài tháng tuổi, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào, kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, đi vệ sinh…Hoặc có em trên 10 tuổi, cao lớn hơn cả cô giáo nhưng chưa phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có những em lại rụt rè, không dám nhìn vào cô giáo nhưng có lúc hiếu động quá mức, thúc đầu vào tường hoặc cào, cắn cô giáo. 

Bởi vậy, việc tập luyện cho một em học sinh tự kỷ ngồi yên 15 phút cũng là nỗ lực cả tháng trời của người giáo viên. “Nhiều lúc mệt mỏi, chán nản nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới là mình hạnh phúc lắm. Có hôm phụ huynh gọi điện đến khoe hôm nay con mình nói được hai từ “đẹp quá” mà tôi mừng rơi nước mắt”, nữ giáo viên nhớ lại.

Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hơn nữa, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Ngoài chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trao dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng day.

Gần chục năm gắn bó với nghề, cô Trí đã tiếp xúc, điều trị hàng trăm trường hợp. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, nhưng đều có điểm chung là chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Cũng là người mẹ, nên chị hiểu rõ nỗi niềm của các bậc phụ huynh. Mang theo tình thương của người mẹ với những đứa con đặc biệt, chị âm thầm dạy dỗ, chỉ bảo những đứa trẻ đặc biệt ấy. Nhiều khi tình thương ấy như chính thương đứa con của mình vậy.

Cũng như đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Chiến chia sẻ: Để việc giảng dạy có hiệu quả, thay vì cố bắt trẻ theo một giáo án cố định đã chuẩn bị sẵn thì giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Đó là cách để cô bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và cùng với trẻ chơi, học những kỹ năng xã hội hàng ngày. 

Buồn vui chuyện nghề 

Với những người làm nghề dạy trẻ như cô Trí, cô Chiến, niềm vui lớn nhất là thấy các trẻ tiến bộ sau quá trình điều trị. Cô Trí vẫn nhớ như in trường hợp bé trai quê ở Hà Tĩnh được bố mẹ đưa đến điều trị từ lúc 18 tháng tuổi trong tình trạng không giao tiếp, không hiểu được những giao tiếp cơ bản như đứng, ngồi. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn khi bé khóc ròng suốt 2 tháng liền.

“Nhiều hôm muốn bỏ cuộc nhưng vì tình thương nên tôi lại tự động viên mình cố gắng, áp dụng phương pháp điều trị khác. Sau 1 năm điều trị, nhờ gia đình kiên trì phối hợp với giáo viên nên cháu đã nói chuyện, chơi đùa với các bạn. Nhìn gia đình hạnh phúc, chúng tôi cũng vui lây”, cô Trí bộc bạch. 

Hay trường hợp bé trai 13 tuổi ở TP. Vinh (Nghệ An). Cháu bé được bố mẹ đưa đến trung tâm lúc 5 tuổi trong tình trạng quậy phá nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Cháu bé này còn có hoàn cảnh đặc biệt khi gia đình nghèo, bố mẹ không có việc làm, chỗ ở không ổn định. Tuy nhiên, với sự tận tâm của các giáo viên, tính cách đứa trẻ ấy dần biến chuyển theo chiều hướng tích cực: “Thực tế qua công tác điều trị trẻ tự kỷ, các giáo viên rút ra kinh nghiệm, trường hợp nào bố mẹ, người thân hợp tác với giáo viên thì trẻ tiến triển tốt và ngược lại”, cô Trí chia sẻ.

Theo các giáo viên ở trung tâm giảng dạy trẻ tự kỷ của Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An, công việc dạy trẻ tự kỷ luôn phải chịu áp lực rất lớn. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình là cả một nghệ thuật. Mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau nên cần có những giải pháp riêng biệt, có lúc mềm mỏng nhưng có thời điểm phải nghiêm khắc. Tất cả phụ thuộc vào độ nhạy bén, linh hoạt của người dạy. Công việc vất vả, khó khăn là vậy nhưng với họ, được nhìn thấy các cháu “tốt nghiệp” mà không phải quay lại lần thứ 2 mới hoàn toàn yên tâm. Nếu không có tình yêu thương, lòng nhẫn nại thì ít ai có thể gắn bó với nghề.

Hơn nữa, chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số cháu đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ...Vì vậy, chỉ có lòng yêu nghề, say mê với nghề mới giúp họ theo đuổi nghề nghiệp đến cùng. Tình yêu nghề phải được xuất phát từ tình yêu trẻ. “Chỉ khi bước vào công việc này mới hiểu những khó khăn của các giáo viên. Nhưng không vì thế mà chúng tôi than vãn hay chán nản, thay vào đó là luôn tự hứa với lòng mình cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những cháu bé không may mắc chứng bệnh này. Với tôi, nó còn hơn là cái nghề”, cô Tôn Thị Trí bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Lài – PGĐ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho hay, hiện tại trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Thành lập từ năm 2010, đến lớp học trẻ tự kỷ ở Qũy  Bảo trợ trẻ em Nghệ An đã giảng dạy gần 500 em, trong đó có em gắn bó với trung tâm tới bây giờ.

Các giáo viên tại đây không chỉ tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mà có cô là y tá, bác sĩ, giáo viên mầm non, thạc sỹ, cử nhân chuyên ngành tâm lí học…Hàng ngày, giáo viên sẽ hướng dẫn các trẻ từ những động tác đơn giản nhất như nhai, thổi, thè lưỡi…đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, biết thông báo cho người khác khi muốn đi vệ sinh hoặc lúc đói bụng, cảm thấy mệt mỏi.

Bà Lài nhận xét công việc dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Các cô giáo cần sự kiên nhẫn, nhiệt tình và trên cả là tình thương, lòng yêu nghề. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ để nhận biết sớm các triệu chứng trẻ tự kỷ và có phương pháp can thiệp sớm để giúp trẻ tiến bộ, sớm hoà nhập cộng đồng.

Theo các chuyên gia tâm lí, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ được biểu hiện ra bên ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Trẻ em mắc tự kỷ thường sống thu mình, ngại tiếp xúc, nếu không can thiệp, điều trị đúng cách và kịp thời có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Đọc thêm