Nối tiếp truyền thống vẻ vang ngành Tư pháp

(PLO) - Rất đáng để tự hào, vào ngày này của 72 năm về trước (28/8/1945), nội các của Chính phủ Hồ Chí Minh được thành lập chỉ sau 10 ngày cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, trong thành phần của chính thể dân chủ, cộng hòa ấy, có Bộ Tư pháp mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị “ngành Tư pháp phải vươn lên, trở thành cơ quan trọng yếu của Chính phủ”.
Trụ sở Bộ Tư Pháp
Trụ sở Bộ Tư Pháp

Từ những ngày đầu tiên của chính quyền non trẻ, Bộ Tư pháp đã đóng vai trò là cơ quan xây dựng văn bản pháp luật, giúp Nhà nước điều hành bằng pháp luật. Rất nhiều các Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành có dấu ấn tham mưu, soạn thảo của Bộ Tư pháp.

Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng đầu tiên của chúng ta đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời ngành Tư pháp còn trứng nước với những đóng góp không nhỏ vào việc quản trị đất nước thuở sơ khai của chính quyền, đóng góp không nhỏ về mặt pháp lý kể cả nội trị và ngoại giao. Dấu ấn đó được thể hiện rõ trong việc xây dựng bản Hiến pháp 1946 và trong các văn bản pháp luật điều hành đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền và cả các văn bản, điều ước ký kết với quốc tế thời kỳ đó.

Tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong Chính phủ kháng chiến, Bộ Tư pháp đã góp phần hình thành nên hệ thống Tòa án nhân dân, đặt nền móng cho các cơ quan và hoạt động tố tụng sau này, tập hợp các luật gia, luật sư tên tuổi đi theo kháng chiến, đặc biệt là hình thành ý thức của người dân trong một đất nước có chủ quyền, độc lập và hướng tới một xã hội có “thần linh pháp quyền” (từ dùng của Hồ Chủ tịch).

Ngành Tư pháp trải qua không ít thăng trầm, thay đổi các chức năng, nhiệm vụ  theo những thời kỳ với các chủ trương, chính sách ưu tiên khác nhau của đất nước. Tuy nhiên, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, suốt 72 năm qua những đóng góp của ngành vào việc bảo vệ và dựng xây đất nước là hết sức quan trọng và hữu ích.

Mới đây nhất, Nghị định số 96/2017//NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Tư pháp ban hành vào ngày 16/8/2017 đã khẳng định một bước trưởng thành mới của ngành Tư pháp. Với một hệ thống xuyên suốt từ Trung ương đến xã và đội ngũ hơn 40.000 cán bộ, công chức, viên chức, ngành Tư pháp đang đảm nhận những công việc khác nhau trong lĩnh vực được phân công của mình, đi đầu trong lĩnh vực cải cách hành chính và góp phần cực kỳ quan trọng  trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trên đất nước của chúng ta. 

Đó là niềm tự hào, không chỉ trong truyền thống mà còn ở hiện tại và tương lai của đội ngũ tư pháp nước nhà!.

Đọc thêm