Nỗi xấu hổ vì fan cuồng Việt - Bao giờ chấm dứt ?

(PLO) - Vừa qua, fan Việt được phen nháo nhào khi có thông tin MAMA - một trong 4 giải thưởng thường niên uy tín nhất của Hàn Quốc sẽ lần đầu được tổ chức Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) vào ngày 25/11 tới. 
Gào khóc khi thấy thần tượng.
Gào khóc khi thấy thần tượng.

Thế nhưng trái với dự đoán rằng fan Việt sẽ vui mừng và mong chờ sự có xuất hiện tại Việt Nam thì người hâm mộ Việt đang “cầu nguyện” thần tượng sẽ không đặt chân đến nước nhà. 

“Cầu nguyện” thần tượng sẽ không đến Việt Nam

Với sức chứa khoảng 2500 chỗ, Nhà hát Hòa Bình được coi là địa điểm có quy mô nhỏ so với 2 địa điểm ở Nhật Bản và Hồng Kông với sức chứa lên đến 17-18 nghìn người. Trên khắp các trang mạng xã hội, thay vì kêu gọi nhịn ăn mua vé thì người hâm mộ Việt lại đồng loạt “cầu nguyện” thần tượng sẽ không tham dự lễ trao giải tại Việt Nam vì theo họ: “Tại sao lại tổ chức ở một nơi nhỏ như vậy , nó thậm chí còn không đủ sức chứa cho một fandom (một cách gọi của câu lạc bộ người hâm mộ) chứ đừng nói đến các fandom khác, thần tượng của tôi không thể biểu diễn ở một nơi nhỏ bé như thế, đó là điều không thể chấp nhận được”.

Sự bức xúc ấy như một cách để thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt đối với thần tượng thể hiện mong muốn thần tượng được biểu diễn trên một sân khấu hoành tráng, rực rỡ. Tuy nhiên, đây có lẽ là cách thể hiện sự hâm mộ còn khá “nhẹ nhàng”.

Nhiều fan cuồng đã khiến thần tượng sợ hãi theo đúng kiểu “xách dép” mà bỏ chạy. Từ việc đi đón thần tượng tại sân bay, ai cũng thi nhau chen lấn, nhào đến để… đụng vào người thần tượng. Điều này khiến sao Hàn khó chịu ra mặt. Không chỉ vậy, các fan còn không ngần ngại bám đuổi theo xe của thần tượng tạo nên hình ảnh vô cùng xấu xí và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Một nhân viên an ninh tại sân bay Nội Bài cho biết, có lần khi đang cố gắng không cho mọi người tiếp cận vào khu vực cấm của sân bay, chị đã bị một số bạn nữ tuổi teen quát “Bây giờ tao chỉ quan tâm đến các oppa (anh yêu) của tao thôi!”.

Hậu quả của sự bắt chước?

Năm 2010, một nhóm nhạc nam Kpop “dở khóc, dở cười” khi gặp một fan cuồng tại buổi gặp gỡ người hâm mộ. Khi tiến lại gần để xin chữ kí, cô gái này không hề ngần ngại mà quỳ xuống từng thành viên, liên tục gào thét: “Oppa! Oppa! Oppa! Em đã yêu anh từ cái nhìn đầu tiên. Anh có nhớ em không?”. Hành động thái quá này đã khiến các thành viên 2PM bối rối và đội ngũ bảo vệ phải vào cuộc ngay sau đó. Tháng 10/2015, một nhóm thần tượng nam Hàn Quốc đã có một buổi gặp mặt người hâm mộ “nhớ đời”. Một fan nữ vừa nhận được chữ ký từ thành viên này thì bỗng nhiên ngay lập tức đã ném album vào mặt thành viên khác một cách thô bạo khiến tất cả không khỏi choáng váng.

Trong thời gian gần đây có rất nhiều hình ảnh cảnh báo việc fan bị ngất trong những lần nằm đường vạ vật chờ thần tượng. Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh. Thậm chí còn có trường hợp ái mộ đến mức đưa thần tượng lên bàn thờ, có cả nhang đèn thắp thường xuyên.  Cá biệt hơn, một số fan cuồng ở Hà Nội xúm nhau ngửi và hôn lên chiếc ghế thần tượng đã ngồi, họ ái mộ đến mức xúm nhau hôn chỗ ngồi của thần tượng và được coi là việc làm có một không hai trên thế giới. 

Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh, thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh, thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh, thiếu niên hiện nay ở Việt Nam. Và cứ thế nỗi xấu hổ vì fan cuồng Việt mãi kéo dài.

Thần tượng, yêu mến một ca sĩ, diễn viên không phải là xấu nhưng nếu quá đà, không biết tiết chế thì không tốt. Mong rằng trong tương lai không xa cộng đồng người hâm mộ Việt sẽ thể hiện sự hâm mộ của mình một cách vừa phải và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sỹ ngoại quốc, họ sẽ nhớ đến Việt Nam là một quốc gia văn minh, chứ không phải bởi “fan cuồng”.