Nông dân phải thuê đất dự án bỏ hoang trồng lúa

Hơn 60 hộ dân với 236 nhân khẩu tại xóm Mậu 6, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nghề chính là sản xuất nông nghiệp, nhưng tư liệu sản xuất lại phải thuê lại đất của doanh nghiệp để canh tác.

Hơn 60 hộ dân với 236 nhân khẩu tại xóm Mậu 6, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nghề chính là sản xuất nông nghiệp, nhưng tư liệu sản xuất lại phải thuê lại đất của doanh nghiệp để canh tác.

Trại lợn sau dịch tai xanh trở nên hoang phế.
Trại lợn sau dịch tai xanh trở nên hoang phế.

Bên cần không có, bên có không cần

Xóm Mậu 6 được thành lập từ năm 2003, đến nay tròn 10 năm tuổi, trực thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn quản lý. Người dân ở đây chủ yếu là làm nông, nhưng đất đai lại không có nên phải thuê lại diện tích đất của Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn (sau đây gọi tắt là Trạm giống) để sản xuất mấy năm nay. Trạm giống vốn được UBND tỉnh Nghệ An giao cho 45 ha đất, nhưng lại bỏ hoang.

Ông Phan Hữu Mai – Trạm trưởng Trạm giống thật thà cho biết: “Năm 2010, đại dịch lợn tai xanh xảy ra trên diện rộng, đàn lợn của trạm buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh, nguồn tài chính của trạm gặp nhiều khó khăn. Trước đó, do không có vốn nên Trạm đã vận động vốn đóng góp của anh em trong cơ quan, 6 sổ đỏ được cầm cố để vay vốn ngân hàng. Khi bị thua lỗ không thể xoay vốn để chăn nuôi lại, buộc lòng Trạm phải “hợp đồng” với người dân và một số hộ là cán bộ về hưu của trạm sản xuất lúa…”.

Hiện còn 4 sổ đỏ của cán bộ nhân viên trong trại giống đang được cầm cố tại ngân hàng vẫn chưa lấy ra được. Từ đầu những năm 2000, thực hiện dự án nạc hóa đàn lợn, Trại giống được đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại, điện nước, nhà điều hành, nhưng từ cuối năm 2009 đến nay, hệ thống này bỏ trống, không có kinh phí bảo dưỡng, bảo quản nên xuống cấp nghiêm trọng.

Bên cần đất thì không có, bên có thì dường như là không cần, cho nên trong thời gian qua, người dân xóm Mậu 6 liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền tha thiết mong được bàn giao số diện tích đất của Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn cho UBND huyện quản lý và cấp đất cho dân sản xuất.

Tại công văn trả lời đơn thư công dân xóm Mậu 6, Phòng TN&MT huyện Nam Đàn cũng nêu rõ: “Phòng TNMT xét thấy nguyện vọng của 60 hộ dân xóm Mậu 6 xã Kim Liên, đề nghị nếu trại chăn nuôi không có khả năng sản xuất hết số diện tích dư thừa thì UBND tỉnh Nghệ An thu hồi và giao lại cho UBND xã Kim Liên, để UBND xã Kim Liên giao khoán cho 60 hộ dân xóm Mậu 6  sản xuất là phù hợp”.

Vẫn muốn cho doanh nghiệp

Sau khi nhận thấy tình trạng thực hiện nhiệm vụ của Trạm giống không đạt, tháng 11/2012, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An có Tờ trình số 2462/TTr – SNN-KHTC, nói rõ: “Hơn 10 năm qua, chưa năm nào Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cũng như Trung tâm giống chăn nuôi giao. Diện tích đất được giao khoán trắng cho công nhân viên và nhân dân ngoài trạm sản xuất, chăn nuôi thua lỗ kéo dài…”.

Kết cục, Sở này đề nghị: “UBND tỉnh Nghệ An, có chủ trương cho phép thực hiện giải thể Trạm giống chăn nuôi Nam Đàn. Đồng thời chuyển giao cho một đơn vị có thực lực về vốn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Trạm và sử dụng tài sản, đất đai một cách có hiệu quả (có thể là TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An)” – tờ trình viết.

Ông Phan Hữu Mai – Trạm trưởng rất bức xúc trước đề xuất này, đặc biệt là phần mở ngoặc đơn: “Quan điểm cuả tôi là nếu tỉnh giải thể trạm thì phải giao đất lại cho huyện quản lý, còn giao lại cho TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là không đúng. Trước đó là đất của huyện, giao cho Trung tâm giống chăn nuôi tỉnh để làm đề án, nhưng Trung tâm làm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải giao lại cho huyện, giao cho công ty tư nhân là không đúng. Giao cho huyện để giao đất cho dân sản xuất. Chúng tôi sẽ đề xuất giữ lại trại để anh em tiếp tục chăn nuôi trên cơ sở đất và trang trại đã xây dựng”.

TCty CP Vật tư ông nghiệp (Cty CP VTNN) vốn trước đó cũng đã được giao diện tích 12,5ha/45ha của Trạm giống để sản xuất giống lúa phục vụ nhu cầu giống gieo trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng từ trước đến nay cũng chưa ai thấy doanh nghiệp này “sản xuất giống lúa”, cả 12,5ha đất vẫn khoán cho người dân sản xuất. Vì vậy, nếu quan điểm của Sở NN&PTNT được chuẩn thuận, thì xóm Mậu 6 lại tiếp tục cảnh đi thuê đất.

Để xảy ra thực tế bê bết như trên, trong khi đó ông Trần Văn Chất – Giám đốc Trung tâm giống Chăn nuôi tỉnh Nghệ An vẫn nói “cứng”: “Nếu bàn giao diện tích đất trên cho một đơn vị khác (Tcty CPVTN Nghệ An) thì đơn vị đó phải đảm bảo: Nhận tài sản, đất đai, máy móc, 11 cán bộ của Trạm và bố trí công ăn việc làm; vẫn phải tiếp tục nhiệm sản xuất con giống; làm đầy đủ nghĩa vụ thuế về đất đai theo quy định của Nhà nước”.

Khoản 3, Điều 73 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không có hiệu quả thì Nhà nước thu hồi đất để giao cho địa phương đưa vào sử dụng theo quy định”.

Ngô Toàn

Đọc thêm