Tại xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc), nhiều giếng đào phục vụ tưới tiêu đang cạn kiệt. Theo ghi nhận của phóng viên, trước đây mỗi giếng đào của người dân bơm khoảng 2 giờ đồng hồ mới cạn, thì nay chỉ khoảng 15 phút là hết sạch nước.
Ông Nguyễn Đình Nhung (ngụ ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) chia sẻ, hiện gia đình ông đang canh tác 7.000m2 tiêu và 3.000m2 mít. Ông đã đào 3 giếng nước, mỗi giếng sâu 16m nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu. Nếu như trước đây, mỗi giếng bơm khoảng 2 giờ đồng hồ mới hết nước, thì 1 tháng nay cả 3 giếng của gia đình ông đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, chỉ bật máy hoạt động được khoảng 10-15 phút là hết sạch nước. Vì thiếu nước nên cây trồng của gia đình ông Nhung bắt đầu khô héo, vàng lá.
Tình trạng tương tự xảy ra tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, có hàng trăm ha trồng thanh long đang phơi mình đợi nước tưới.
Kênh mương nội đồng tại xã An Nhứt, huyện Long Điền cạn trơ đáy |
Ông Phạm Văn Khanh - Tổ trưởng Tổ dẫn nước xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, vào tháng 3 vừa qua Trạm Thủy nông huyện Xuyên Mộc đã đầu tư thêm 6 máy bơm, đầu bơm, ống hút, ống đẩy từ nguồn ngân sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để dẫn nước từ hồ Sông Hỏa về các kênh thủy lợi, kịp thời cứu hạn cho 108ha hoa màu. Tuy nhiên, đến nay do hồ Sông Hỏa đã cạn, mực nước quá thấp không còn bơm được nữa.
Theo phản ánh của ông Huỳnh Trung Thành - Chủ tịch HTX nông nghiệp An Nhứt, vụ hè thu năm nay, HTX An Nhứt xuống giống khoảng 220ha. Mọi năm, thường vào cuối tháng 4 đã có mưa, tuy nhiên năm nay nắng nóng kéo dài, tình hình sản xuất khó khăn.
Toàn bộ diện tích sản xuất của xã An Nhứt nói riêng và huyện Long Điền nói chung phụ thuộc vào nguồn nước hồ Đá Bàng. Nhưng do mực nước hồ xuống thấp, phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, nên vụ hè thu phải chờ mưa. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ trễ vụ rất cao, nông dân phải tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ phải bỏ luôn vụ chính.
Báo cáo của Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, năm nay nắng nóng kéo dài, lượng mưa tại khu vực có các hồ chứa đều giảm mạnh. Như hồ Đá Đen chỉ đo được lượng mưa 1.101mm, giảm 150mm so với cùng kỳ 2018, còn ở hồ Châu Pha đo được 1.145mm, giảm 126mm so với năm 2018. Riêng hồ Sông Ray có lượng mưa 592mm, tương đương với năm 2018 nhưng giảm đến hơn 900mm so với năm 2017.
Vì vậy để hạn chế nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Vũ Văn Lợi - Trưởng Phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhất là thông tin dự báo về mưa, dòng chảy, thường xuyên kiểm tra cụ thể nguồn nước trữ tại các hồ chứa, sông, kênh, tính toán cân đối khả năng cung cấp nước.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn sửa chữa hàng năm, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng. Ngoài ra, các địa phương nên chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến để vận hành, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh.
Đối với số diện tích lúa sản xuất vụ hè thu, nông dân cần chuẩn bị kỹ về đất, giống, hệ thống kênh mương nội đồng để khi có mưa xuống, tiến hành gieo sạ kịp thời, tránh trễ vụ. Không chỉ vậy, nông dân cần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như tăng cường sử dụng các biện pháp tưới luân phiên, tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn khác.