Chỉ trong 1 tháng, có tới 3 phán quyết Trọng tài bị Tòa án tuyên hủy một cách “lãng xẹt” khiến cho “đương sự” cũng phải “mắt tròn mắt dẹt”. Kinh ngạc hơn, số phán quyết bị hủy này chiếm tới già nửa trong tổng số phán quyết bị Tòa án tuyên hủy suốt 8 năm qua (từ 2006 tới 2012). Sự việc đang làm dấy lên những quan ngại về hệ thống tư pháp Việt Nam, trong bối cảnh các vụ kiện phải “đáo tụng đình” ngày một gia tăng.
Thống kê sơ bộ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy từ năm 2006 đến 2011 chỉ có khoảng 3 phán quyết Trọng tài (PQTT) bị Toà án tuyên huỷ. Thế nhưng từ khi Luật Trọng tài thương mại chính thức có hiệu lực (từ 1/1/2011) tỷ lệ PQTT bị hủy bỗng nhiên tăng vọt với 4 PQTT bị tuyên hủy. Thậm chí, chỉ trong tháng 11 năm 2012 vừa qua, có tới 3 PQTTbị huỷ, tỷ lệ PQTT bị hủy trong vòng 1 năm đã bằng tổng số 8 năm về trước.
|
Giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài đang có nhiều vấn đề nổi cộm cần được tháo gỡ? |
Việc Tòa hủy PQTT còn bất thường ở chỗ lý do hủy khá tùy tiện. Tìm hiểu việc hủy PQTT của 4 vụ mới nhất (từ 2011 tới nay) cho thấy có những PQTT bị hủy chỉ vì Hội đồng Trọng tài dùng ngôn từ mang tính chất…thân thiện.
Theo đó, Hội đồng Trọng tài gửi thông báo mời các bên đến dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Mặc dù thông báo này nêu rõ thời gian và địa điểm tổ chức phiên họp, được gửi hợp lệ đến các bên tranh chấp nhưng Toà lại tuyên hủy PQTT với lý do thông báo của Hội đồng Trọng tài không ghi chữ “triệu tập”, chỉ ghi là “mời” nên các bên có thể đến hoặc không đến???
Một số PQTT khác bị hủy không với lý do “lãng xẹt” nhưng lại khiến “người trong cuộc” cũng phải ngỡ ngàng vì việc áp dụng luật “mỗi nơi một kiểu”. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 81 Luật Trọng tài thương mại 2010, đối với các thoả thuận trọng tài ký trước ngày luật có hiệu lực thì áp dụng pháp luật tại thời điểm ký thoả thuận trọng tài.
Tuân thủ quy định này, các Hội đồng Trọng tài đã áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 đối với các vụ kiện có thoả thuận trọng tài ký trước ngày Luật Trọng tài có hiệu lực. Tuy nhiên, Toà đã tuyên huỷ các PQTT này với lý do Hội đồng Trọng tài không áp dụng các quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 vì Phán quyết được tuyên tại thời điểm Luật Trọng tài thương mại 2010 đã có hiệu lực.
Cũng liên quan tới việc áp dụng luật, Hội đồng Trọng tài không triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì quá trình tố tụng trọng tài chỉ ràng buộc đối với các bên ký thoả thuận trọng tài. Trọng tố tụng trọng tài không có khái niệm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như trong tố tụng Toà án. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thế nhưng có những PQTT bị hủy chỉ với lý do Hội đồng trọng tài đã không triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Tình trạng PQTT bị hủy với số lượng lớn, lý do hủy thiếu thuyết phục nếu như không muốn nói là “lãng xẹt” đang dấy lên những quan ngại về môi trường pháp luật và đầu tư, trong bối cảnh các vụ kiện phải “đáo tụng đình” ngày một gia tăng. VIAC cho biết thực tế số PQTT bị hủy có thể nhiều hơn con số thống kê với một số PQTT bị hủy mà VIAC cũng không biết Toà án không…thông báo cho dù Luật Trọng tài 2010 quy định việc gửi Quyết định huỷ hoặc không huỷ PQTT phải được gửi cho các Trung tâm trọng tài sau 05 ngày Tòa ra quyết định.
Trao đổi với PLVN Online, bà Nguyễn Hải Chi, Phó Tổng thư ký VIAC cho hay tình trạng huỷ PQTT với những căn cứ không xác đáng đang làm vô hiệu hoá phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và làm giảm uy tín của hệ thống Toà án Việt Nam trong con mắt của các doanh nghiệp nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này làm cho môi trường pháp luật và đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bức xúc trước việc Tòa án tùy tiện hủy PQTT, một trọng tài viên khá nổi tiếng của VIAC cũng cho rằng sự can thiệp quá sâu của tòa án vào hoạt động của trọng tài có thể làm hạn chế sự tự do ý chí của các đương sự. Do vậy, trừ khi phán quyết trọng tài có sai lầm trong việc áp dụng luật nội dung hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đến mức có thể làm sai lệch bản chất vụ việc thì tòa án mới nên hủy phán quyết đó. Tòa án không nên vin vào những tiểu tiết về thủ tục để hủy phán quyết trọng tài một cách tùy tiện. “: Ưu điểm của Trọng tài là tính linh hoạt cả về thủ tục tố tụng lẫn lựa chọn luật áp dụng. Phán quyết trọng tài thể hiện cao nhất ý chí của đương sự nên phải được xem là lựa chọn “tốt nhất” cho các bên”, vị Trọng tài viên này nói.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Hải Chi phân tích: “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng tại nhiều nước phát triển. Trong tố tụng trọng tài, yếu tố tự do thoả thuận của các bên tranh chấp được tôn trọng, Hội đồng Trọng tài đáp ứng tối đa các thoả thuận của các bên nếu không trái quy định của pháp luật. Do đó, tố tụng trọng tài mang tính linh hoạt, thân thiện và hiệu quả. Đó là những điểm ưu việt của tố tụng Trọng tài so với tố tụng Toà án. Nếu đem tư duy của tố tụng dân sự tại Toà án để xem xét và quy chiếu vào tố tụng trọng tài thì sẽ mất hết những ưu điểm vốn có của tố tụng trọng tài”.
Cũng cần thông tin thêm rằng, Luật Trọng tài năm 2010 đã hoàn thiện một bước đáng kể về thủ tục tố tụng trọng tài so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, giúp cho việc xét xử của trọng tài được khách quan, vô tư và chính xác hơn. Bên cạnh đó, sau 20 năm tồn tại của hệ thống trọng tài, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm xét xử của đội ngũ trọng tài viên cũng đã được nâng lên đáng kể.
Do vậy, về mặt lý thuyết, chất lượng xét xử trọng tài đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế số lượng phán quyết trọng tại bị hủy lại gia tăng so với trước đây ( khi chưa có Luật Trọng tài). Đây là điều rất không bình thường và các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục cụ thể.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin nhiều chiều xung quanh vấn đề này.
Anh Phương