NS Quốc Trung dạy con gái cách tránh bạo lực tình dục

(PLO) - “Xã hội hay hiểu lệch lạc rằng bé gái, phụ nữ bị lạm dụng, bị bạo lực tình dục (BLTD) là do những người đó có một phần lỗi. Nhưng thực ra họ là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân và chúng ta phải lên tiếng vì điều đó”, nhạc sĩ Quốc Trung trong vai trò là một nghệ sĩ, một người cha có con gái đã chia sẻ như vậy.
Nhạc sĩ Quốc Trung và con gái Thiện Thanh
Nhạc sĩ Quốc Trung và con gái Thiện Thanh
Và theo quan điểm của nhạc sĩ Quốc Trung, những kẻ lạm dụng bạo lực nói chung và BLTD nói riêng là những kẻ hèn yếu vì bị lệch lạc và yếu đuối về nhân cách. Do đó, không có lý do gì để chúng ta sợ không dám tố cáo và đưa ra ánh sáng những vụ việc như vậy.
“Tôi dạy con gái mình cách phân biệt hành vi lạm dụng”
Trong các dạng thức của bạo lực giới, có một loạt bạo lực chưa được nói ra và chưa dám nói ra. Đó là BLTD thể hiện qua hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, BLTD trong quan hệ vợ chồng – bạn tình; xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái… Ở Việt Nam, dù chưa có số liệu quốc gia về thực trạng BLTD nhưng những nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra số liệu mang tính cảnh báo về vấn đề này: 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của BLTD và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị BLTD từ chồng của mình. 
Tuy nhiên, hầu hết các nạn nhân bị BLTD vì nỗi lo sợ bị chỉ trích, phán xét mà âm thầm chịu đựng, chấp nhận và coi đó như trải nghiệm đáng xấu hổ của cá nhân hơn là vấn đề xã hội cần giải quyết. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin, hiểu biết về quyền an toàn tình dục và sức khỏe sinh sản của phụ nữ khiến cộng đồng xã hội có cái nhìn kỳ thị, định kiến với người bị BLTD. 
Là một người bố có con gái, đương nhiên nhạc sĩ Quốc Trung không thể làm ngơ trước những con số đau lòng này. Nhạc sĩ cho biết: “Tôi nghĩ sự lạm dụng về tình dục cũng như là BLTD đối với bé gái xuất phát từ việc các cháu còn chưa hiểu biết. Thứ nhất là không hiểu thế nào là bị lạm dụng. Và trong những khi chưa được giáo dục cụ thể, chưa có những kinh nghiệm, những kiến thức thì các cháu rất dễ nhầm lẫn giữa việc được yêu thương, được chiều chuộng và nó dẫn tới các hành vi xâm phạm cũng như BLTD đối với các cháu. 
Đối với con gái của mình thì tôi thường xuyên trao đổi những câu chuyện về ý thức. Ngày xưa các cụ hay dạy con gái là phải giữ ý thì tôi cũng dạy con những cái cách làm sao để phân biệt những hành vi lạm dụng hoặc là tránh những nguy cơ mà mình có thể bị bạo lực”.
Nhạc sĩ Quốc Trung trong sự kiện âm nhạc đường phố “Bạn không đơn độc”.
Nhạc sĩ Quốc Trung trong sự kiện âm nhạc đường phố “Bạn không đơn độc”. 
Ủng hộ nhau để phản ứng lại hành vi xấu xa 
Là Đại sứ thiện chí của chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, nhạc sĩ Quốc Trung đã tham gia rất nhiều sự kiện và thẳng thắn bày tỏ quan điểm lên án của mình đối với BLTD. Trong sự kiện âm nhạc đường phố “Bạn không đơn độc” mới đây do chính nhạc sĩ phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức,
Quốc Trung đã bày tỏ suy nghĩ của mình với đông đảo khán giả. Theo đó, nhạc sĩ cho rằng nhiều khi cộng đồng xã hội hay hiểu lệch lạc bé gái, phụ nữ bị lạm dụng, BLTD là do chính họ gây ra vì cách ăn mặc, vì đi vào chỗ vắng người… Nhưng thực ra họ là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân và xã hội cần có cái nhìn nhân văn hơn, cần lên tiếng vì những điều đó. “Là một nghệ sỹ có sự ảnh hưởng trong công chúng, tôi muốn chia sẻ với mọi người, với cộng đồng là cần phải đưa ra ánh sáng để ngăn chặn những tình trạng BLTD như vậy” – nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.
Trước con số 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng như trên xe buýt, thậm chí là trên máy bay (đơn cử như hành động nam hành khách có hành vi sờ mông nữ tiếp viên Viet Jet Air xảy ra gần đây trong chuyến máy bay từ Vinh đi TP HCM), nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, mọi người có mặt chứng kiến phải ủng hộ nhau để phản ứng lại các hành vi xấu xa đó. 
Vì theo nhạc sĩ, thứ nhất để người có hành vi xấu biết rằng đấy là hành động không đàng hoàng, không được chấp nhận và sẽ bị đưa ra ánh sáng; thứ hai, những người có hành vi như vậy thường là những kẻ yếu đuối về nhân cách, thậm chí đến mức hèn kém thì họ mới làm vậy. Thế nên nếu bị phản ứng, bị lên tiếng thì chính họ mới là người sợ chứ không phải là nạn nhân hay những người xung quanh. “Tôi nghĩ là khi chúng ta nắm tay nhau và cùng nhau phản ứng lại hành động như vậy thì chính họ mới là kẻ yếu chứ chúng ta không phải là kẻ yếu” – nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.

Đọc thêm