“Gần 40 năm, số lần biểu diễn "Tàu anh qua núi" của tôi đã lên tới mức cả ngàn lượt, tất nhiên là tôi vẫn thích hát theo phong cách cũ. Nhưng với riêng Giai điệu tự hào, tôi xin nhường đất cho các ca sĩ trẻ, hãy hát ca khúc ấy theo một phong cách mới, hiện đại hơn mà theo các bạn như thế mới là hay, hợp thời”. Đó là lời từ chối của NSND Thanh Hoa khi được mời tham gia biểu diễn ca khúc vốn đã đóng đinh với tên tuổi của bà.
Lời đề nghị phóng khoáng của NS Thanh Hoa khiến những người thực hiện chương trình ngạc nhiên nhưng cũng chính là một thách thức không hề dễ dàng. Làm mới ca khúc ấy ra sao và chọn giọng ca nào đủ nội lực thể hiện tác phẩm là một điều không hề đơn giản. Suy đi tính lại, Thu Minh và phong cách dance & dubstep sở trường là nơi “chọn mặt gửi vàng”.
Bước ra từ mô hình chuyến tàu Thống Nhất nối liền hai miền Bắc Nam, Thu Minh đã làm cả khán phòng bị thuyết phục hoàn toàn khi thể hiện ca khúc theo tiết tấu nhanh, dồn dập.
Khách mời bình luận - nhà văn Trần Thị Trường, bạn thân, cũng chính là người chấp bút cho cuốn tự truyện của NSND Thanh Hoa chia sẻ trên sân khấu Giai điệu Tự hào: “Mấy chục năm nghe Thanh Hoa hát, tôi vẫn nghĩ sẽ chẳng ai có thể hát ca khúc này hay được như người bạn của mình nhưng tới hôm nay, khi nghe Thu Minh hát tôi xin được rút lại lời nhận xét ấy”.
Giáo sư Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng hóm hỉnh liên tưởng: “Nếu như con tàu của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ngày xưa chạy chậm đủ để người đi tàu thư thả quan sát vạn vật bên đường thì đoàn tàu trong bản phối của nhạc sĩ Quốc Trung khiến tôi liên tưởng tới tàu con thoi nối liền giữa các hành tinh trong cuốn truyện tranh Doremon yêu thích”.
Lắng nghe ca khúc, khán giả xem truyền hình lần đầu tiên cũng được Nhà văn Phan Huyền Thư kể lại câu chuyện tình đầy cảm động xung quanh tác phẩm này của cha mình.