Hóa thân vào “chị Cúc”
Nhân dịp kỷ niệm 50 Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (24/7/1968- 24/7/2018) và 71 năm ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7/2018, NSƯT Tố Nga ra mắt MV “Cúc ơi”. “Cúc ơi” tái hiện lại khoảng thời gian lịch sử với sự cống hiến, sự mất mát, hy sinh của các nữ thanh niên xung phong (TNXP) Ngã ba Đồng Lộc năm nào đầy xúc động.
Tố Nga sinh năm 1976 tại Hà Tĩnh. Khi theo học Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh, chị giành nhiều giải thưởng. Năm 1997, chị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh giới thiệu sang Nhạc viện Hà Nội để luyện thanh nhạc cũng như thi tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Sau khi giành giải ba cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 1999”, Tố Nga được đặc cách vào Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tại đây, chị đoạt nhiều huy chương, bằng khen và được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Tri ân những anh hùng ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, năm nào NSƯT Tố Nga cũng đến Ngã ba Đồng Lộc dâng hương. Trong suốt 12 năm qua, chị mong ước ngày nào đó sẽ thực hiện một sản phẩm âm nhạc tri ân 10 cô gái Đồng Lộc nói riêng và hàng triệu anh hùng đã ngã xuống nói chung. Và đúng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, Tố Nga cùng ekip thực hiện một MV “Cúc ơi”.
MV “Cúc ơi” kể về chị Hồ Thị Cúc, một trong 10 nữ liệt sĩ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc. Đó là cuộc đời của một cô gái trẻ, quả cảm, dâng trọn thanh xuân của mình cho độc lập của Tổ quốc. Từ nhỏ, chị Cúc đã gặp chuyện buồn gia đình, bố mất sớm vì nạn đói, mẹ đi lấy chồng để lại chị cho ông và bà dì nuôi. Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, lớn lên chị đi TNXP chống Mỹ cứu nước.
Quãng thời gian nhập ngũ, sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, chị Cúc đã vượt qua những nỗi buồn riêng và trở thành một cô gái tươi vui, nhiệt huyết. Chị Cúc cùng các nữ TNXP ngày đêm san lấp hố bom, bám trụ chiến đấu, đảm bảo thông suốt đường 15A trên trận đại Ngã ba Đồng Lộc. Vào lúc 16 giờ ngày 24/7/1968, chị Cúc cùng các nữ TNXP san lấp hố bom, sửa chữa đường, bom dội đến lần thứ 15 trong ngày, các chị vẫn vừa hát, trêu đùa nhau vừa quan sát và san lấp hố bom.
Nhưng một trận bom bất ngờ do một một chiếc máy bay địch quay lại đã dội ngay xuống cửa hầm các chị đang trú ẩn, tiếng nổi long trời, khói đen mù mịt, Cúc cùng 9 chị em trong tiểu đội hy sinh. Nhưng đến khi đồng đội và người dân đào bới tìm các chị thì không thấy Cúc. Phải 3 ngày sau, đồng đội, nhân dân mới tìm được chị bị vùi lấp rất sâu…
Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh cũng có mặt thời điểm đi tìm chị Cúc đã nghẹn ngào viết lên bài thơ: “Cúc ơi” và rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc với nhiều tựa đề khác nhau. Tố Nga chọn bản phổ của nhạc sĩ Hăng Ry để thể hiện và thực hiện MV.
Những tâm linh kỳ lạ
Trước khi tiến hành quay MV, Tố Nga và đạo diễn Lam Hạ đã về Hà Tĩnh, tìm đến nhà chị Cúc để xin phép gia đình và thắp hương xin phép chị Cúc thực hiện MV về chị. Ekip thực hiện MV và NSƯT Tố Nga đã lặn lội khắp đất Hà Tĩnh 2-3 ngày để tìm bối cảnh cho MV. Tuy nhiên, để tìm được bối cảnh sao cho đúng với thời chiến khó khăn vô cùng vì khắp nơi đã là đồng ruộng xanh tươi của thời bình.
Đến khi cả đoàn đã tính đến nước phải về để dựng phim trường thì bất ngờ đi qua đập Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang- Hà Tĩnh), cả ekip mừng đến phát khóc vì thấy được bối cảnh quá chân thực cho MV. Đây là vùng đất rộng lớn, không có người ở, nhiều ụ nổi, dễ dàng có thể thực hiện cảnh bom mình mà không ảnh hưởng đến người dân.
Chính bối cảnh này đã giúp MV có được một không khí đặc biệt, khắc họa được chân thực hơn bối cảnh thời chiến. Như một chuyện tâm linh, cả ekip làm MV bất ngờ khi biết bối cảnh ấy lại ở gần nơi sinh sống của chị Cúc thời nhỏ.
Một chuyện tâm linh khác, khi quay cảnh bom nổ, khắc họa chị Cúc và các chị nữ TNXP ngã xuống, vô tình, diễn viên Hoa Trần - người đóng vai chị Cúc bị bom nổ cháy xém vạt áo sau lưng. Sau đó, Hoa Trần được biết, chị Cúc hồi nhỏ cũng bị bỏng vì bị đổ nước nóng vào lưng ở đúng chỗ diễn viên Hoa Trần cháy xém áo ở lưng.
NSƯT Tố Nga tâm sự: “Có nhiều chuyện tâm linh khó lý giải. Đang trời nắng chang chang, ước muốn có mưa để cảnh quay sâu hơn, xúc động hơn, tôi lẩm nhẩm khấn các chị phù hộ. Chỉ ít giờ sau, trời đổ mưa như trút. Nhờ đó, MV có những cảnh quay dưới mưa: khi NSƯT Tố Nga thả hoa trên sông, khi chị Cúc hồi nhỏ nhìn theo mẹ đi lấy chồng… Những hạt mưa ấy đã làm câu chuyện thêm xúc động”.
Để thực hiện MV “Cúc ơi!” dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ TNXP hăng hái ngày đêm san đường, lấp hố bom giữ thông tuyến đường chiến đấu, đoàn phim đã phải huy động đến 200 diễn viên quần chúng là các chiến sĩ bộ đội và các học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Tĩnh.
Tỉnh đội Hà Tĩnh cũng đã giúp đỡ NSƯT Tố Nga một cách đặc biệt, ngoài việc cử chiến sĩ trẻ tham gia quay MV, Tỉnh đội còn huy động cả xe quân đội và cử cố vấn đặc biệt hỗ trợ đoàn phim quay cảnh chiến tranh. Toàn bộ cảnh bom mìn MV đều có sự cố vấn bên quân đội để có những cảnh chân thực nhất.
“Cảnh quay xúc động nhất là đạo diễn Lam Hạ bảo tôi đang trong vai một người chị lột tả được sự xúc động khi mà tìm được thi thể 9 nữ TNXP, còn chị Cúc thì chưa tìm được. Tôi hát bên 10 áo quan, mà có một cái bị trống, lúc đó mình rất xúc động và bị ám ảnh mãi về sau này đến giờ vẫn chưa nguôi”- NSƯT Tố Nga bồi hồi nhớ lại. Khi xem MV “Cúc ơi!”, hầu hết khán phòng đều lặng đi, những giọt nước mắt nghẹn ngào hoà vào không khí xúc động khi MV tái hiện lại khoảng thời gian lịch sử với sự cống hiến, sự mất mát, hy sinh của các nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc năm nào.