Nữ Bí thư tỉnh ủy nói về điểm mạnh của Ninh Bình

(PLO) - Tái cử trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020, bà Nguyễn Thị Thanh đã chia sẻ với Pháp Luật Việt Nam về những định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới cũng như những điều kiện để biến mảnh đất cố đô trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Một góc danh thắng Tràng An
Một góc danh thắng Tràng An
Tập trung 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm và 15 mục tiêu 
Là “người cũ” trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI, hẳn bà có nhiều thuận lợi trong việc tiếp tục đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững? Nhìn lại chặng đường qua, bà có thể cho PLVN biết đôi nét về những mặt được và chưa được của tỉnh và phương hướng khắc phục, phát triển trong nhiệm kỳ tới?
- 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015, bám sát định hướng của Trung ương về 3 khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 
Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến hết năm 2015 đã có 40/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 33,6%), đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách và GDP bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đề ra; hiệu quả thu hút đầu tư còn hạn chế; chất lượng dạy nghề, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chưa hợp lý ở các ngành nghề…
Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã thảo luận thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ  phát triển tỉnh Ninh Binh trong giai đoạn 2015-2020, đó là: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững”.
Đại hội đã thống nhất đưa ra 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm và biểu quyết 15 mục tiêu chủ yếu bao quát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. 
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm vụ được đặt ra cho Ninh Bình từ nay đến năm 2020 là phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch để thu hút đầu tư… Vậy Ninh Bình sẽ chuẩn bị những điều kiện gì để phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thưa bà?
- Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua đó là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về một mảnh đất Ninh Bình địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Với sự kiện quan trọng này, du lịch Ninh Bình chính thức bước vào thời kỳ mới, mở ra nhiều vận hội và thời cơ mới, đưa ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tiến gần hơn mục tiêu trở thành ngành kinh tế trọng yếu. 
Lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2015, số lượt khách đến tham quan các điểm du lịch đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010); doanh thu từ du lịch đạt 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch vẫn còn hạn chế; việc thu hút đầu tư về du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh... 
Với phương hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu doanh thu du lịch đến năm cuối nhiệm kỳ theo giá hiện hành đạt 3.000 tỷ đồng. 
Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội đã xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ; đồng thời đưa ra chương trình trọng tâm để tổ chức thực hiện: Phát triển dịch vụ du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách của con người cố đô Hoa Lư.
Trước mắt, tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, đồng thời quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm các quy hoạch phát triển du lịch, mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ, tạo được sự liên kết với các tỉnh, liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh 
Phát triển bền vững gắn liền yếu tố môi trường
Ngoài các địa danh du lịch nổi tiếng, Ninh Bình cũng là tỉnh có nguồn tài nguyên đá vôi phong phú - nguyên liệu chính để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo bà, tỉnh cần có những biện pháp gì để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh?
- Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu phát triển bền vững; muốn phát triển bền vững phải tính đến yếu tố môi trường. Suy cho cùng thì mỗi chúng ta cần phấn đấu cho một môi trường trong sạch, cho sự phát triển bền vững của cả chúng ta và các thế hệ mai sau.
Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Bình tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch; thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, lĩnh vực đầu tư có giá trị lớn; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi để hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 
Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch, ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại không gây ô nhiễm; đảm bảo hài hoà giữa khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường. 
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng luôn tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đặc biệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản như: đất, đá vôi, các mỏ vật liệu xây dựng… trong quá trình phát triển ngành xây dựng; đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường,  nhất là trong việc xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý rác thải, nước thải công nghiệp; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Năm 2015 Ninh Bình có 40/119 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 33,6%), cao hơn tỷ lệ xã nông thôn mới của cả nước là 20%. Bà có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn tới thành công này?
- Như chúng ta đã biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong thực hiện, tỉnh Ninh Bình đã làm rõ được mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, khoa học, thường xuyên, quyết liệt của các cấp ủy, quản lý chặt chẽ của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ban, ngành đoàn thể; công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh. 
Vì vậy công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa; nhiều mô hình sản xuất ở nông thôn mang lại hiệu quả rõ nét. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được nâng cấp. Các công trình thuỷ lợi, điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hoá, chợ… được quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. 
Tại chính quyền cấp xã, với những cách làm thiết thực, sáng tạo, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng” nên nhân dân đã đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền phấn đấu thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 
Về huy động các nguồn lực, với phương châm  “Dựa vào nội lực và do cộng đồng dân cư tại địa phương làm chủ”, chính quyền xã, thôn đã đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến  thông qua các hội nghị của nhân dân. Tất cả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các nội dung, công việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới, đều được phổ biến rộng rãi đến từng thôn, khu dân cư…  
Đối với việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài các tiêu chí theo quy định, để đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn phải đảm bảo tiêu chí có ít nhất 80% người dân trong xã có ý kiến nhất trí. Do vậy ngày đón bằng công nhận xã nông thôn mới như một ngày hội của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm