Nữ giám đốc 17 năm trốn nã

(PLO) - Hoàng Thị Hà Lê (52 tuổi, trước ngụ ở phường Tây Lộc, TP.Huế) vay tiền để mở công ty nhưng làm ăn thua lỗ hơn 900 triệu đồng, sau đó trốn nã, cha mẹ qua đời cũng không về chịu tang.
Nghi phạm khi bị bắt và khi bị phát lệnh truy nã
Nghi phạm khi bị bắt và khi bị phát lệnh truy nã
Ngày 11/7/2015, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (PC52) Công an Thừa Thiên Huế bắt được Lê ở tỉnh Bình Thuận sau 17 năm trốn nã.
Lê từng tốt nghiệp trường Quân y Quân khu IV với tấm bằng khá, sau đó được nhận làm y tá tại Bệnh viện Quân y 268 ở TP.Huế, sau đó chê lương thấp, bỏ đi Đức xuất khẩu lao động, sáu năm sau trở về làm kinh doanh, lấy chồng là Nguyễn Chiến (quê ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Giữa năm 1997, Lê dồn hết số vốn có được, vay thêm hai ngân hàng và mượn hơn chục tiểu thương ở chợ Tây Lộc được hơn 940 triệu đồng, thành lập công ty vận tải biển Lê Chiến. 
Đây là số tiền rất lớn thời bấy giờ nhưng doanh nghiệp của Lê làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả. Cuối năm 1998, Lê bỏ trốn khỏi địa phương. Hàng chục tiểu thương tại chợ Tây Lộc hoảng loạn, điêu đứng. Họ không thể ngờ, một người phụ nữ có vẻ giàu có, luôn mang đầy vàng trên người, với những lời nói ngọt ngào lại có thể “ôm” tiền bỏ trốn như vậy. Các tiểu thương cùng với hai ngân hàng cho Lê vay đã trình báo sự việc lên công an.
Ngay khi đó, Công an Thừa Thiên Huế đã ra quyết định truy nã Hà Lê về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên toàn quốc. 
Sau khi bị bắt, Lê khai nhận, sau khi rời Huế, từ năm 1998 - 2005, lẩn trốn tại TP.HCM. Từ năm 2006 - 2011, Lê chuyển đến sinh sống tại Cam Ranh (Khánh Hòa) đi bán cơm. Đến năm 2012, Lê gặp lại chồng và xin một đứa con nuôi sinh năm 2008, cả gia đình cùng về sống tại đội 8 (thôn 3, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, Lê đổi tên thành Hoàng Thị Xuyến (SN 1965, quê Gio Linh, Quảng Trị).
Đầu tháng 7/2015, các trinh sát PC52 Công an Thừa Thiên Huế nắm được thông tin Lê đang sống trên địa bàn xã Hàm Cần nên ập tới bắt giữ. Nữ giám đốc trốn nã suốt 17 năm sa lưới.  Đại tá Nguyễn Tuấn (Trưởng phòng PC52) cho biết, Lê được di lý từ tỉnh Bình Thuận về Huế vào ngày 16/7 để phục vụ điều tra.  
Trinh sát Nguyễn Văn Hiền, người trực tiếp bắt giữ đối tượng kể: “Trước đây, Lê có thời gian xuất khẩu lao động tại Đức nên theo suy đoán ban đầu, có thể sau khi đi khỏi Huế, đối tượng này bỏ trốn sang nước này. Vì điều đó, cơ quan công an càng khó khăn trong việc xác minh và truy bắt đối tượng. Vào năm 2014, tôi cùng một đồng đội đã vào tới nhà nghỉ Hướng Dương ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Bằng nghiệp vụ, chúng tôi biết chị ta ở phòng 3 của nhà nghỉ, tôi đã thuê phòng 4 bên cạnh nhưng không hiểu sao tích tắc chị ta đã trốn được. Thất bại làm anh em chúng tôi càng quyết tâm bắt giữ đối tượng này dù là tốn rất nhiều thời gian và sức lực”.
Anh Hiền kể tiếp: “Dựa vào các manh mối, chúng tôi vào miền Nam để truy tìm đối tượng này rất nhiều lần. Ngày 6/7/2015, tôi cùng đồng chí Phương lại lên đường khi biết được Hà Lê mới mua đất, dựng nhà cách đó 5 tháng tại khu vực toàn người dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Bình Thuận. Gần bốn ngày, chúng tôi cùng phòng PC52 của tỉnh Bình Thuận lội bùn, băng rất nhiều ngọn núi mới tới được nơi ở của Lê. 
Để tránh việc oan sai, bắt không đúng người, chúng tôi luôn mặc thường phục, lui tới nhiều lần nhà người này nhận dạng. Qua 17 năm nên ngoại hình của đối tượng đã thay đổi nhiều. Tôi đóng giả là người mua đất đến nói chuyện đồng thời quan sát người này có đặc điểm giống đặc điểm nhận dạng trong lệnh truy nã: 
“Sẹo chấm cách 1,2cm trên sau đầu lông mày trái”. Khi biết đúng đối tượng mình cần tìm, tôi liền gọi tên chị ta “Hoàng Thị Hà Lê” chứ không phải là Hoàng Thị Xuyến. Nghe lời đó, chị ta khóc, tự nhận tội và biết chúng tôi là ai. Chị ta nói đang bị huyết áp và tiểu đường. Trước khi bị chúng tôi áp giải, Lê chỉ biết xin lỗi chồng và con”.
Theo lời anh Hiền, Lê khai nhận khi bị bắt: Do tính toán sai lầm trong làm ăn nên không có tiền trả nợ. Lúc đầu, Lê bỏ xứ đi định làm ăn có tiền là về Huế trả nợ, nhưng gắng mấy cũng không thành công nên phải trốn nhiều nơi. Mọi thứ tưởng chừng đã bị chôn chặt, bất ngờ lại bị bắt giữ. Lê hơi buồn nhưng cũng cảm thấy thoải mái, không còn phải nơm nớp lo sợ tìm cách chạy trốn.
Trong trại tạm giam Công an tỉnh Thừa - Thiên Huế, nghi phạm òa khóc: “Trong những năm tôi lẩn trốn ở nơi đất khách quê người, rất nhiều lần tôi muốn về thăm nhà nhưng về thì sợ bị bắt nên đành thôi. Hối hận nhất là khi tôi biết cha mẹ mình qua đời nhưng không về để tang được. Tôi là đứa con bất hiếu, cha mẹ đau ốm không về, rồi lại đem nhiều điều tiếng xấu cho cha mẹ nữa. Tôi mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để còn có cơ hội về tạ tội trước bàn thờ của cha mẹ”.  
Ông Hoàng Châu (57 tuổi, anh trai của Lê) hiện ở đường Ngô Thế Lân (TP.Huế), cạnh nhà cũ của em gái. Ông tâm sự: “Em gái tôi trước đây nhanh nhẹn và rất có hiếu với cha mẹ, nhưng có lẽ vì muốn làm ăn lớn, có tên tuổi nên mới vỡ nợ như vậy. Giờ ở đây nó không còn gì hết, căn nhà trước ở cũng bị bán để trả nợ rồi.
Trong thời gian qua tôi nhận nhiều điều tiếng lắm, tôi đi nhậu bạn bè cũng hỏi: “Dạo này em mày ở đâu? Làm gì rồi? Còn sống không?”. Tôi chỉ biết cúi đầu buồn và đâu trả lời được vì có bao giờ nó liên lạc với tôi đâu”.
Người anh nghẹn giọng tiếp tục: “Nhiều lúc thương nhớ em gái lắm nhưng cũng đành chấp nhận chứ biết làm sao? Thương thì thương vậy nhưng giận cũng nhiều. Vợ tôi trước đây làm ở viện 268 cùng với Lê, hai chị em rất thân thiết, thế mà cách đây tám năm vợ tôi bị ung thư, nó có về được đâu. Càng đáng buồn hơn khi cách đây bốn năm, mẹ tôi qua đời, hai năm sau lại đến cha tôi, muốn trăn trối với nó cũng không được”./.

Đọc thêm