Nữ hộ sinh bỏ đói đến chết hàng trăm đứa trẻ

(PLVN) - Buổi sáng ngày 12/1/1948, hai nhân viên cảnh sát tại đồn Wadesa, Shinjuku, Tokyo, vô tình phát hiện ra hài cốt của 5 đứa trẻ sơ sinh trong lúc đang đi tuần tra trong khu vực. Khám nghiệm pháp y cho thấy cả 5 đứa trẻ này đều tử vong bởi các nguyên nhân không được tự nhiên, chứng tỏ đây có thể là một vụ mưu sát hàng loạt.
Nữ hộ sinh Miyuki Ishikawa.

Đến ngày 15/1, giám đốc bệnh viện phụ sản Kotobuki, Miyuki Ishikawa và chồng, Takeshi Ishikawa, đã bị bắt vì nghi ngờ liên quan đến vụ việc.Miyuki Ishikawa là cái tên là có lẽ cho tới nay, nhiều người dân Nhật Bản vẫn không thể quên và thậm chí còn đặt cho bà ta biệt danh “Nữ hộ sinh ác quỷ”. Người phụ nữ này đã lấy đi mạng sống của hàng trăm đứa trẻ sơ sinh ở Nhật Bản những năm 1940. 

Biện pháp “xử lý quá tải” bệnh viện

Miyuki Ishikawa, sinh năm 1897, là một nữ hộ sinh người Nhật Bản, đồng thời là kẻ giết người hàng loạt, đã sát hại nhiều trẻ sơ sinh với sự trợ giúp của một số kẻ đồng lõa trong suốt năm 1940. Người ta ước tính rằng trẻ sơ sinh chết dưới tay nữ hộ sinh này có số lượng từ 85-169, nhưng con số cuối cùng cơ quan chức năng xác nhận là 103 nạn nhân.

Miyuki Ishikawa sinh ra tại thị trấn Kunitomi, quận Higashimorokata, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản. Miyuki có một tuổi thơ bất hạnh, khi thường xuyên bị người cha độc ác bỏ đói và đánh đập dã man. Cảnh sát cho rằng, chính tuổi thơ bất hạnh đã biến Miyuki trở thành một người vô cảm.

Miyuki tốt nghiệp Đại học Tokyo và ngay sau khi mới vừa ra trường kết hôn theo mong muốn của gia đình với ông Takeshi Ishikawa, song hai người không có con. Sau đó, Miyuki trở thành nữ hộ sinh và thăng tiến lên vị trí Giám đốc ở Bệnh viện phụ sản Kotobuki. Thời điểm này, Miyuki được xem là một bà đỡ lành nghề, mặc dù Nhật chưa coi nghề này là một công việc chính thức và cũng chưa ban hành giấy phép hành nghề.

Những năm 1940, khoảng thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai, cả nước Nhật rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về mặt kinh tế. Đây cũng là thời kỳ khủng hoảng dân số, khi tỷ lệ trẻ sơ sinh tăng đột biến.

Năm 1946, 10 triệu người có nguy cơ chết đói nhưng do lệnh cấm phá thai, ước tính khoảng 2,6 triệu đứa trẻ chào đời mỗi năm khiến dân số Nhật Bản đã tăng thêm 11 triệu người trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1950.

Điều này gây ra ách tắc tại nhiều bệnh viện phụ sản, trong đó có bệnh viện của Miyuki. Hầu hết sản phụ đến sinh nở tại bệnh viện Kotobuki đều thuộc tầng lớp lao động nghèo, kinh tế không ổn định và không có đủ khả năng tài chính để nuôi con.

Bản thân là một giám đốc bệnh viện phụ sản, Miyuki phải chịu trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Tuy nhiên, Miyuki không thể nuôi dưỡng hay giúp những đứa trẻ vì không có những dịch vụ xã hội, từ thiện.

Và để giải quyết những mâu thuẫn, những khó khăn trong thực trạng quá tải, người phụ nữ này đã quyết định bỏ đói cho đến chết nhiều đứa trẻ kể từ thời điểm chúng được sinh ra, sau đó đem giấu xác rải rác khắp trong thành phố.

Miyuki Ishikawa bị bắt giữ. 

Một trong những nguyên nhân khiến Miyuki nảy ra ý định này là thời điểm đó nạo phá thai ở Nhật Bản là một việc trái pháp luật, chính vì thế các gia đình nghèo lỡ có con không còn cách nào khác là phải sinh chúng ra, rồi họ tiếp tục đối mặt với bi kịch khác khi không thể đủ khả năng chăm sóc, nuôi nấng chúng.

Do vậy, ý tưởng của Miyuki được một số bậc cha mẹ đồng tình. Nhiều cặp phụ huynh của những đứa trẻ kia cũng tự nguyện nhờ vả đến Miyuki để bà ta giúp giải quyết “gánh nặng” bằng một cách tàn độc đến không thể ngờ.

Miyuki cho rằng, khi bà ta sát hại những đứa trẻ sinh ra nhưng không được chào đón, có nghĩa là bà ta đang làm việc tốt, cứu rỗi chúng không phải sống một cuộc sống nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, đồng thời cũng giúp cha mẹ chúng bớt đi một gánh nặng suốt cuộc đời.

Vụ án rúng động

Để hợp thức hóa cho việc làm của mình, Miyuki đã rủ thêm chồng, đồng thời tuyển một bác sĩ khác là Shiro Nakayama để làm giả mạo giấy chứng tử của các đứa bé.

Dần dần, Miyuki biến ý tưởng của mình thành một cách kiếm tiền và lý luận với những cặp cha mẹ muốn bỏ con của mình rằng, chi phí này còn rẻ hơn rất nhiều so với việc phải nuôi nấng một đứa trẻ thành người. Việc trục lợi trên thân thể của trẻ sơ sinh vô tội đã mang về cho vợ chồng Miyuki một khoản thu khổng lồ.

Rất nhiều y tá làm việc tại Bệnh viện phụ sản Kotobuki không thể chấp nhận và sợ hãi cách làm khủng khiếp của Miyuk nên đã xin nghỉ việc. Nhiều người đã cố gắng tố cáo những hành động man rợ của nữ giám đốc, nhưng chính quyền địa phương đã làm lơ mọi chuyện.

Bởi trong bối cảnh thời điểm đó, một số cán bộ công quyền cũng cho rằng, những đứa trẻ này sinh ra nhưng không được chào đón và họ cũng không xác định được những đứa trẻ sơ sinh này là con của ai. Cứ thế, Miyuk đã tước đi sinh mạng của 103 đứa trẻ. Con số này thậm chí còn được cho rằng nhiều hơn trong thực tế.

Tuy nhiên, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”, hành vi đáng sợ của Miyuki cũng bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Vào ngày 12/1/1948, 2 sĩ quan thuộc đồn cảnh sát Waseda tìm thấy hài cốt của 5 đứa trẻ sơ sinh chôn cùng một chỗ. Một cuộc điều tra đã được tiến hành sau khi khám nghiệm tử thi cho thấy những đứa trẻ này không chết một cách tự nhiên. Ngày 15/1/1948, mọi chuyện bắt đầu bị phanh phui, Miyuki và chồng bị cảnh sát bắt giữ. 

Vợ chồng Miyuki và Takeshi trong phiên tòa vào tháng 9/1948.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục tìm được khoảng 40 hài cốt của trẻ sơ sinh tại nhà của một người hộ tang và 30 bộ hài cốt khác được tìm thấy trong một ngôi đền. Ngoài ra, rất nhiều bộ hài cốt trẻ sơ sinh cũng được tìm thấy rải rác khắp thành phố. 

Trong khoảng thời gian dài khi tiến hành điều tra vụ án, cho đến nay cảnh sát cũng không thể xác định nổi số lượng chính xác nạn nhân của Miyuki, chỉ biết rằng bà ta đã sát hại ít nhất là 103-169 đứa bé sơ sinh.

Tại phiên xét xử diễn ra ở Tòa án quận Tokyo, Miyuki bị kết án 8 năm tù, trong khi người chồng Takeshi và bác sĩ Shiro Nakayama mỗi người bị kết án 4 năm tù giam. Tuy nhiên tại tòa, Miyuki không tỏ ra hối lỗi trước hành vi của mình, ngược lại bà ta đổ lỗi cho cha mẹ của những đứa trẻ, rằng họ bỏ đứa con vì không có điều kiện chăm sóc. 

Cặp vợ chồng đã kháng cáo bản án vào năm 1952. Và theo luật pháp Nhật Bản thời điểm đó, trẻ sơ sinh không có quyền và Tòa án tối cao Tokyo đã hủy bỏ bản án ban đầu và kết án Miyuki 4 năm tù và còn người chồng 2 năm tù.

Vụ giết người hàng loạt dã man của vợ chồng Miyuki được xem là nguyên nhân làm cho chính phủ Nhật Bản phải xem xét lại việc hợp pháp hóa phá thai. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Miyuki có cơ hội thực hiện tội ác và trục lợi là do việc mang thai ngoài ý muốn tăng đột biến nhưng không có giải pháp nào khác để giải quyết.

Ngày 13/7/1948, Luật bảo vệ sơ sinh được ban hành. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua hệ thống kiểm tra quốc gia dành cho các nhân viên hộ sinh. Ngày 24/6/1949, luật phá thai vì lý do kinh tế cũng được chính phủ Nhật Bản hợp pháp hóa theo Luật bảo vệ ưu sinh.

Đọc thêm