Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp và tăng cường kết nối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu và tọa đàm “Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp và tăng cường kết nối” dành cho các giảng viên trẻ, nữ sinh quan tâm tới hoạt động và định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp và tăng cường kết nối

Chuỗi toạ đàm "Nữ nhà khoa học và kỹ sư tương lai” góp phần kiến tạo thế hệ Nữ Nhà khoa học và Kỹ sư tài năng tại Việt Nam thông qua tư vấn định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội kết nối chuyên gia dành cho các sinh viên nữ theo học tại các trường khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam. Sự kiện do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Mạng lưới cựu sinh Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ trong khuôn khổ Quỹ Tài trợ nhỏ dành cho cựu sinh, Trường ĐHKHTN, Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam và phối hợp thực hiện bởi Chi hội Nữ trí thức Trường ĐHKHTN cùng 3 cựu sinh người Việt đã học tập tại Mỹ.

Mỗi diễn giả chia sẻ một khía cạnh từ thực tiễn bản thân liên quan đến vấn đề Nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. PGS.TS. Nguyễn Thị Loan, giảng viên cao cấp, Trường ĐHKHTN chia sẻ về sự bền bỉ, cách rèn luyện và phát huy trong môi trường nghiên cứu khoa học; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chi hội trưởng Chi hội nữ trí thức, Trường ĐHKHTN chia sẻ vấn đề kinh nghiệm làm việc nhóm hiệu quả trong triển khai những ý tưởng mới; Bà Trần Thị Thu Phương, Sáng lập Mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam EEN - Vietnam chia sẻ về vấn đề Hành trang ứng tuyển thành công; PGS.TS. Nguyễn Phạm Thục Anh, giảng viên cao cấp, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về Cơ hội và thách thức cho các sinh viên nữ ngành kỹ thuật trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Hội thảo "Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp và tăng cường kết nối" diễn ra sôi nổi.

Hội thảo "Nữ kỹ sư tương lai - Định hướng nghề nghiệp và tăng cường kết nối" diễn ra sôi nổi.

Là người dành cả 2 học bổng thạc sĩ và tiến sĩ và có 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, TS. Nguyễn Thúy Anh, cán bộ làm việc tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có phần chia sẻ về kinh nghiệm lập kế hoạch và tầm quan trọng của kết nối hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Theo chị, để đạt những thành công trong công việc, chị nhấn mạnh: “Việc tự lập từ sớm và có trách nhiệm với bản thân sẽ là một điều may mắn để các bạn phát triển, tự tin đứng trên đôi chân của mình và bước vào cuộc sống”.

PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh, Giảng viên cao cấp của ĐHBKHN nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo đáp ứng công nghiệp 4.0: ”Các bạn nên bắt đầu NCKH từ thời gian sớm nhất có thể. Đặc biệt, các bạn nữ trong ngành Khoa học kỹ thuật thậm chí còn nắm giữ các ưu thế, trở thành các leader trong các nhóm nghiên cứu và tham gia rất năng nổ, nhiệt tình. NCKH tạo cho các em sự chủ động, tư duy sáng tạo, và là hành trang tốt để chuẩn bị cho quá trình học tập chuyên sâu của các em”.

5 nữ chuyên gia và hơn 40 sinh viên nữ trường Đại học Khoa học Tự nhiên thảo luận sôi nổi. Phần lớn các sinh viên bày tỏ quan tâm về thách thức, kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các chuyên gia trong quá trình phấn đấu sự nghiệp và tạo tác động tích cực trong xã hội. Tọa đàm đồng thời ghi nhận các câu hỏi về đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và thế mạnh của nữ giới trong lĩnh vực này.

Trước những câu hỏi và chia sẻ của từng sinh viên, các đại biểu cũng như các diễn giả thuộc “thế hệ trước” đã có những trao đổi thẳng thắn, thân tình, động viên các bạn sinh viên hãy mạnh dạn, tự tin, rèn luyện để thành công trên con đường mình đang đi và hướng tới.

PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN) đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học nữ nói riêng. PGS.TS. Trần Quốc Bình bày tỏ mong muốn trường sẽ có nhiều nhà khoa học nữ không chỉ xuất sắc trong chuyên môn mà còn xuất sắc trong quản lý, trở thành cán bộ chủ chốt.