Nữ sinh 13 tuổi, tạm gọi là Hoa, bắt đầu gặp những rắc rối khi cô giáo xếp em ngồi giữa hai bạn nam. Hoa thường xuyên bị hai bạn này trêu chọc, giật, ném sách vở và lấy sách đập vào đầu.
Hoa còn bị cả lớp ghép đôi với một trong hai nam sinh, khiến em luôn có cảm giác xấu hổ, căng thẳng và lo sợ, không thể tập trung nghe giảng và làm bài. Học lực của em ngày càng giảm sút. Mỗi khi Hoa không làm được bài hoặc bị điểm kém thì các bạn lại trêu chọc nên em thêm chán nản, tự ti.
Bởi thế, Hoa luôn lo lắng, sợ hãi, không muốn đến lớp. Dần dần, em không muốn giao tiếp với ai, kể cả bố mẹ hay anh chị em, thậm chí em còn tránh ngồi ăn cùng gia đình.
Cảm thấy cuộc sống xung quanh đối với mình như cực hình và muốn được giải thoát, Hoa nhắn tin cho vài người bạn thân, nói về tâm trạng của mình. Em mua thuốc trừ sâu và uống 2 gói rồi đau đớn ngã gục xuống sàn nhà lúc nửa đêm. Bố mẹ Hoa tá hỏa khi phát hiện sự việc, vội vàng đưa em tới Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Hoa được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương nhanh chóng rửa dạ dày, cho uống than hoạt, truyền dịch và sử dụng thuốc giải độc. Bé gái may mắn ổn định các chức năng sống và được tiếp tục chăm sóc tại Khoa Sức khỏe vị thành niên.
Thời gian đầu điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Hoa luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu. Bệnh nhi nằm thu mình cả ngày trên giường, không muốn trò chuyện với bất kỳ ai. Em được chẩn đoán sang chấn về tinh thần do bạo lực học đường và được trị liệu tâm lý.
Được điều trị, chăm sóc tích cực, Hoa dần vui vẻ hơn, hoà đồng với các bạn trong phòng bệnh và mọi người, ăn, ngủ tốt cũng hơn.
Hoa mới được xuất viện. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với Hoa, đặc biệt khi cô bé đi học trở lại. Nếu những hành vi bạo lực học đường tiếp diễn với Hoa thì hậu quả có thể còn đau lòng hơn…
Từ trường hợp trên, các chuyên gia về sức khỏe vị thành niên khuyến cáo, trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ trong trường học.
Nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện, giúp học sinh phát triển lành mạnh. "Các giáo viên cần chú ý để không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học. Giáo viên cũng cần luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa", bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nêu.