Nữ sinh dập nát bàn tay do điện thoại phát nổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum mới cấp cứu một nữ bệnh nhân 13 tuổi bị dập nát bàn tay phải do điện thoại phát nổ.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải diện tích 10x10cm, gãy xương ngón tay số 3, 4, 5; đứt gân ngón tay số 5; đa vết thương vùng đùi trái, cẳng tay trái, chảy máu vùng mặt.

Bác sĩ A Bên - Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện cho biết, sau khi phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tuy nhiên cần được cấy ghép phần da, nuôi mô mềm đồng thời có nguy cơ hoại tử ngón tay số 5.

Người bệnh được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh nhi trên bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi đang sử dụng.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 02 bệnh nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ, trong đó 01 trường hợp đứt hoàn toàn ngón tay số 3 bàn tay phải.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội mới đây cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 13 tuổi dùng laptop khi đang sạc pin gây phát nổ nhập viện trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương, bao gồm: Chấn thương sọ não (chảy máu não thất, tụ máu trong sọ, dị vật trong não thất); Chấn thương hàm mặt (vết thương hàm mặt phức tạp, gãy xương hàm dưới, chấn thương nhãn cầu hai bên). Người bệnh cũng bị nhiều vết thương phần mềm thành ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên; dập nát cẳng tay trái, đa vết thương phần mềm tay phải...

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, cuối tháng 12/2023 cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng bị bỏng nặng do cắm sạc điện thoại qua đêm để đầu giường dẫn đến phát nổ. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, tay, chân, diện tích khoảng 20%.

Từ thực tế nhiều vụ điện thoại, laptop phát nổ gây cụt chi, bỏng mặt... bác sĩ khuyến cáo người dân không nên vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, không sạc qua đêm, nơi sạc cần cách xa người và vật liệu dễ cháy. Không nên dùng điện thoại khi ngồi cạnh khu vực tỏa ra lượng nhiệt lớn như bếp lò, dưới trời nắng nóng... khiến thiết bị có thể hấp thụ nhiệt, nóng lên và phát nổ. Nên sử dụng thiết bị công nghệ chính hãng, có kiểm duyệt an toàn.

Nếu xảy ra sự cố, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Băng bó vết thương, bất động chi và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Đọc thêm