“Núi Phú Sĩ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự. Do không thể kiểm soát được số lượng du khách, chúng tôi lo ngại núi Phú Sĩ sẽ sớm trở nên kém hấp dẫn và không còn ai muốn tới leo núi”, ông Masatake Izumi, quan chức tại tỉnh Yamanashi, nói.
Theo ông Izumi, bùng nổ du lịch hậu COVID-19 đã thu hút hàng nghìn người leo núi Phú Sĩ, gây thiệt hại cho môi trường và tạo thêm áp lực lên dịch vụ cấp cứu tại địa phương.
Dù chính quyền đã phát động chiến dịch kêu gọi du khách bảo vệ môi trường, không xả rác và các tình nguyện viên dọn hàng tấn rác mỗi năm, nhưng cả những người đi bộ lâu năm lẫn người chăm sóc núi Phú Sĩ vẫn đều phàn nàn về tình trạng quá tải rác.
Miho Sakurai, kiểm lâm viên tại núi Phú Sĩ, chia sẻ với các phóng viên rằng tại thời điểm hiện tại “có quá nhiều du khách lần đầu tham quan” và “nhiều người thiếu kinh nghiệm leo núi”. Họ dễ gặp phải tai nạn, bị hạ thân nhiệt hoặc say độ cao khi không sử dụng trang thiết bị chuyên dùng. Do đó, yêu cầu cứu hộ đã tăng 50% so với năm 2022.
Núi Phú Sĩ là một ngọn núi lửa đang hoạt động ở độ cao 3.776 m, nổi tiếng với lớp tuyết phủ đẹp như tranh vẽ và là một trong những biểu tượng quốc gia của Nhật Bản. Cách đây 10 năm, núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Trong giai đoạn từ 2012-2019, khách tham quan núi Phú Sĩ đã tăng lên hơn gấp đôi là 5,1 triệu người.