Nước mắt người bảo vệ công lý vụ gã tâm thần đánh chết người

(PLO) - “Khổ! Không biết gia đình ấy còn gì khổ hơn nữa không” – Vị Hội thẩm nhân dân Trần Hán rưng rưng khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình La Văn Đệ - bị cáo mang bệnh án tâm thần với tội danh giết người bị đưa ra xét xử…
Bị cáo La Văn Đệ.
Bị cáo La Văn Đệ.

Bình thản cạy gạch trên tường xuống gây án

Khác với những phiên tòa xét xử tội danh giết người khác, phiên xử hôm đó tuy diễn ra nhanh chóng nhưng bầu không khí nặng nề thì còn bủa vây nặng trĩu… Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo luôn miệng xưng con như một đứa trẻ nhận ra lầm lỗi mong được người lớn tha thứ dù đã được phổ biến quy chế về cách xưng hô tại tòa.

Bị cáo La Văn Đệ (SN 1992) từng bị đưa ra xét xử vào ngày 12/6/2013, thế nhưng ngay khi bị dẫn giải tới toà án, bị cáo đã có những dấu hiệu của một người mắc bệnh tâm thần rất nặng. Trước những biểu hiện đó, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội buộc phải quyết định trả hồ sơ cho cơ quan truy tố để xác định lại mức độ bệnh tâm thần của hung thủ. 

Trong phiên tòa được mở lại lần này, sau khi đã giám định mức độ tâm thần của bị cáo cũng như có đủ căn cứ xác định sức khỏe của bị cáo hoàn toàn bình thường để trả lời thẩm vấn nên phiên tòa đã được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình xét xử, tội trạng của bị cáo được làm sáng tỏ như sau: Vào một tối cuối tháng 1/2012, một nhóm thanh niên rủ nhau đi ăn tại một quán nhậu tại xã Bắc Phú, trong đó có La Văn Đệ và Vũ Văn Tuấn (SN 1988, cùng trú ở xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội).

Tại đây, nhóm Đệ gặp nhóm của anh Lê Thành Xuân (SN 1990) cũng đang ngồi hàn huyên với bạn gần đó. Sau một hồi lai rai, Tuấn và anh Xuân bất ngờ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến xô xát với nhau, nhưng đã được mọi người can ngăn kịp thời.

Ít phút sau, cả hai nhóm đứng dậy và rời khỏi quán cùng lúc, ngay khi vừa chạm mặt nhau trước cửa quán, Tuấn lại bị Xuân túm áo lôi sang vệ đường đối diện quán nhậu đánh. Xem chừng Tuấn có vẻ yếu thế, Đệ nhanh nhảu chạy sang quán vịt nướng bên cạnh vớ chiếc xích sắt đưa cho Tuấn thì Xuân cũng chạy vào nhà chị gái lấy dao. Tuy nhiên, cuộc ẩu đả giữa Xuân và Tuấn đã được ngăn chặn kịp thời trước mà không gây ra hậu quả.

Tưởng sự đã yên, khi mọi người chuẩn bị rời đi thì Xuân lại giáp mặt Đệ và xảy ra to tiếng. Chẳng nói chẳng rằng, Đệ bình thản cạy viên gạch ở tường rào của một gia đình gần đó đập vào đầu Xuân. “Con không nhận thức được đó là hành vi nguy hiểm” – Đệ ngô nghê trả lời Hội đồng xét xử khi được hỏi về hành động của mình.

Khi Xuân bị ngã ngửa người về phía sau, Đệ tiếp tục “bồi” thêm nhiều nhát nữa cho đến khi anh rể Xuân ngăn cản. Ngay sau đó, Đệ nhảy lên xe máy của Tuấn chạy trốn. Anh Lê Thành Xuân mặc dù đã được người thân đưa đi cấp cứu nhưng vẫn không thể giữ được mạng sống.

Sau khi bị bắt giữ, La Văn Đệ thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Đối với Vũ Văn Tuấn, tuy cơ quan công an đã khởi tố bị can về hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng sau đó đã được đình chỉ điều tra do hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Tâm thần gây án…

Phòng xét xử bỗng chốc trở nên ngột ngạt, không phải do khí hậu mà do những tiếng nấc của thân nhân bị hại trước sự mất mát lớn, những giọt nước mắt đắng ngắt của gia đình bị cáo đang chìm nghỉm trong những lời chì chiết mà đành lặng lẽ bỏ ra góc hành lang. Tranh thủ vài phút nghị án, tôi muốn chia sẻ đôi lời với bà Vũ Thị Hợp (mẹ bị cáo – pv) cũng thấy ái ngại. 

Ngồi ở hàng ghế đầu, mẹ nạn nhân Lê Thành Xuân khó nhọc giữ bình tĩnh. Đôi tay chằng chịt những gân vân vê, ve vuốt họa tiết khung ảnh… Nghe kể trước kia bà đẹp lắm, nhưng từ ngày tai hoạ kéo đến bà đau buồn, còm cõi. Sự vụ xảy ra đã 4 năm mà nay nhắc lại vẫn như mới hôm qua khiến bà chỉ biết phủ phục lên bức di ảnh con và phải nhờ người con trai cả trả lời thay mọi câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Gia đình bị hại bức xúc cho hay, từ ngày mất đi người con, người em ngoan hiền, bố anh Xuân cũng đổ bệnh, đau yếu triền miên. Người mẹ cũng suy sụp, héo hon đi nhiều. Ấy vậy mà từ ngày xảy ra sự việc, gia đình bị hại chỉ sang hỏi thăm được 1, 2 lần rồi cũng không hề thấy sang nữa.

Nhưng kể ra cũng thật khó, trước yêu cầu đòi bồi thường 300 triệu đồng của gia đình bị hại thì gia đình bị cáo cũng đứng lên đề nghị được  giải quyết theo yêu cầu của pháp luật bởi hoàn cảnh gia đình bị cáo Đệ vô cùng khó khăn. Theo lời mẹ Đệ trình bày, bố Đệ cũng thường xuyên đau yếu nên mọi công việc gia đình đều một tay bà lo toan, dưới Đệ vẫn còn 3 em nhỏ phải chăm sóc.

“Cho tôi xin, tôi biết gia đình bên nhà khổ tâm nhưng nhà tôi cũng đau đớn lắm. Xin cho chúng tôi được bồi thường dần dần chứ bữa bán bò rồi nhà có còn gì để bán nữa đâu…” - mẹ Đệ mếu máo. Ngày xoay tiền bồi thường trước cho nhà bị hại 6 triệu, bố mẹ Đệ phải bán cả bò. Cũng biết “con dại cái mang”, hai thân già chạy vạy vay mượn khắp nơi, gom góp được thêm 15 triệu nộp tại cơ quan điều tra để bồi thường cho gia đình bị hại. 

Và nỗi đau nhân đôi

Nỗi đau đớn của bà Hợp không đơn thuần chỉ là con trai bà gây tội mà nó còn là sự tủi hổ và bất lực thực sự: “Người ta bảo nhà tôi chạy giấy tâm thần nhưng nói thế còn đỡ đau xót hơn sự thật là gia đình hiện có đến 5 đời đều mắc chứng thần kinh ấy!”, mắt bà cứ thế đỏ dần…

Chú của Đệ đang điều trị bệnh lý tâm thần tại bệnh viện huyện. Gia đình nhận được chẩn đoán của Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận Đệ đang gặp phải các ảo giác thực tổn, hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi khiến Toà án đưa ra quyết định bắt buộc chữa bệnh với Đệ. 

Có chứng kiến mới thấy nỗi nghẹn ngào của bậc sinh thành thiếu may mắn này: “Biết làm sao được, họ mất con, họ có quyền đay nghiến. Họ muốn con tôi mạng đổi mạng, nhưng họ nói để nó sống, nó đẻ con rồi con nó đi giết người…”- bà buông tay khỏi bên túi áo khoác rách toạc để gạt đi dòng nước mắt đã lã tã rơi… Vẫn biết khi xúc cảm mất mát lên đến tột đỉnh, ai cũng có cái “lý lẽ thuận tai”, chuyện “ác khẩu” là điều có thể hiểu nên trong trường hợp này, cảm quan người ngoài cuộc cũng trở nên lấn cấn khó tả…

Bố mẹ Đệ ngồi bên ngoài lặng lẽ bao nhiêu thì gia đình bị hại lại ồn ã bên trong phòng xử bấy nhiêu khiến cảnh sát bảo vệ phải nhắc nhở không ít lần. Trong phút chốc tiếp cận, lọt thỏm trong ánh nhìn là đôi mắt quầng thâm, gương mặt trắng xanh tựa như có thể phát sáng trong bóng tối ấy của Đệ cũng không khiến đối phương ám ảnh bằng đôi môi nhợt nhạt đang rớm máu…

Đệ nghe thấu những lời trách móc, trình độ văn hoá 2/12 nhưng chắc chắn Đệ hiểu những khổ ải mà bố mẹ, gia đình phải gánh do phút nông nổi của mình gây ra… Thương cảm, vị luật sư bào chữa cho Đệ nhỏ nhẹ gợi ý cho Đệ uống nước, Đệ từ chối; gợi ý ăn tạm, Đệ từ chối; mọi chia sẻ, quan tâm từ luật sư dường như khiến Đệ càng thêm bối rối mà chẳng thể lên tiếng đáp lời, y lắc đầu quầy quậy khiến nước mắt chẳng chảy được thành hàng…

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội, bản thân chưa có tiền án, tiền sự, gia đình bị cáo có công với cách mạng. Lại xét thấy hành vi của Đệ là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp cướp đoạt tính mạng người khác, nhưng do trước và sau khi phạm tội, La Văn Đệ có dấu hiệu của bệnh tâm thần, hạn chế về khả năng nhận thức và hành vi nên Hội đồng xét xử đã kéo dài thời gian nghị án để xem xét toàn diện các chứng cứ cùng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nấn ná lại quãng thời gian nghỉ trưa, thấy bà Hợp khư khư giữ túi nilon 4 chiếc bánh mỳ mới biết, cũng như các gia đình khác, bà cũng chuẩn bị chút đồ mong gửi được cho con. Nhưng dù bị lực lượng cảnh sát bảo vệ từ chối, bà vẫn giữ nguyên túi mong gửi theo. “Làm sao được, 4 năm nay mới gặp lại nó mà chả có mua được gì… tuyên án rồi cố gửi mà không được thì mang về cho 3 đứa ở nhà, chúng nó cũng mấy khi được ăn quà thế này…” – giọng bà cứ nhỏ dần như cất giấu những ngại ngần trước người lạ.

15h30 cùng ngày, Toà án quyết định tuyên phạt bị cáo La Văn Đệ 9 năm tù về tội giết người; buộc bị cáo phải bồi thường thêm cho gia đình bị hại 92 triệu đồng. Phiên xử kết thúc, gia đình bị hại lại mang về những ồn ã bất mãn, gia đình bị cáo lại bước rảo chân lầm lũi mang theo những muộn phiền bế tắc… chỉ có Đệ là lặng thinh quay đầu, nuốt những giọt nước mắt nóng đi…

Đọc thêm