Nước mắt người vợ Việt 13 năm 'làm trâu ngựa' cho cả nhà chồng

(PLO) - “Mang tiếng làm vợ nhưng tôi chẳng khác nào đi ở đợ cho nhà chồng. Làm việc suốt ngày đêm như thân trâu, thân ngựa nhưng tôi vẫn bị chồng, người nhà chồng chửi mắng, đánh đập vì bất đồng ngôn ngữ, làm không đúng việc họ sai khiến. Cả chục năm tôi không có đồng tiền nào, cứ có việc gì cần lại phải ngửa tay xin chồng”.
Chị Nga bên căn nhà tình thương mới được chính quyền hỗ trợ.
Chị Nga bên căn nhà tình thương mới được chính quyền hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1970, ngụ phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) gạt nước mắt nhớ lại 13 năm tủi nhục làm vợ xứ người.

Bước đường lưu lạc

Chị Nga sinh ra ở vùng đất nghèo khó, nơi người dân chỉ biết bám biển mưu sinh. Thu nhập chính của cả gia đình 9 miệng ăn phụ thuộc vào đồng tiền ít ỏi, bấp bênh của người cha kiếm được sau những chuyến đi biển dài ngày. Người mẹ ở nhà một nách 7 đứa con thơ. 

Mải vật lộn với cuộc sống nghèo khổ mà chị quên đi cả tuổi thanh xuân của mình. Thoắt cái đã gần 30 tuổi, khi những người bạn đồng lứa yên bề gia thất thì chị bị mang tiếng “quá lứa lỡ thì”.

Năm 1996, trong một lần mang cá khô lên huyện Yên Thành bán, chị gặp một người phụ nữ lạ rủ qua Trung Quốc làm thuê. Người này nói sang đó công việc nhàn hạ, lương cao, có người chỉ sau vài năm trở về không chỉ xây được nhà, sắm được xe máy mà còn trắng trẻo, xinh đẹp hẳn ra.

Những lời nói như rót mật vào tai về viễn cảnh ngọt ngào nơi xứ người khiến chị Nga mủi lòng, thật thà đi theo, không cả trở về nhà xin phép gia đình.

Sang đến vùng “đất hứa”, giấc mơ biến thành ác mộng. Khi chị nhận ra mình là nạn nhân trong vụ mua bán người thì đã quá muộn. Chị Nga được đưa đến một vùng nông thôn của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), bán cho một người đàn ông nghèo hơn 10 tuổi lấy về làm vợ. Chị Nga không biết mình được “định giá” bao nhiêu, cũng không được cầm đồng tiền nào từ người bán mình.

Mới đầu, sợ “cô dâu” chạy trốn nên họ nhốt chị trong căn phòng tối, đến bữa cho ăn, tắm rửa đều có người theo dõi. Dần dần, chị phải dậy từ sáng sớm để cùng chồng đi làm. 

“Nhà chồng cũng nghèo đói giống như nhà tôi nhưng họ lại không biết cảm thông, còn xem tôi như người ở. Họ bắt tôi làm việc suốt ngày đêm chẳng khác gì thân trâu ngựa. Ngoài gánh việc đồng áng, tôi phải phục vụ cả tám miệng ăn cho cả gia đình chồng, từ ăn uống, giặt giũ đến dọn dẹp nhà cửa. Để chu tất những công việc trên, tôi phải dậy từ lúc mọi người trong gia đình còn say giấc và quần quật đến đêm khuya mới được nghỉ ngơi. Dù có cố gắng đến mấy, tôi cũng bị người nhà chồng chửi bới, đánh đập mỗi khi làm trái ý họ”, chị kể.

Một mình nơi đất người, không biết ngôn ngữ, không người thân, gia đình chồng ngược đãi, chồng cũng không yêu thương vợ. Anh này tỏ ra xét nét, thường xuyên hùa theo cha mẹ mắng chửi vợ. Chị Nga càng cô đơn, tủi nhục.

Thời gian thấm thoát, hơn chục năm làm vợ xứ người, chị đã sinh cho nhà chồng được hai cậu con trai. Gia đình chồng chị Nga tưởng khi có con rồi, chị sẽ vì con mà không dám bỏ đi nên dần buông lỏng quản lý, không còn ai để ý đến việc chị có ý định bỏ trốn. Nhưng chị Nga luôn nung nấu ý định trốn chạy khi hàng ngày phải sống như “địa ngục” với người chồng hờ hững, gia đình chồng lạnh nhạt. Lợi dụng sự chủ quan của gia đình chồng, nhiều lần chị xin phép được đưa con về thăm quê hương nhằm tìm cơ hội giải thoát cho mình.

Tháng 7/2009, sau nhiều lần bày tỏ nỗi nhớ quê, chị Nga được nhà chồng cho phép về thăm gia đình trong thời hạn một tuần lễ. Chị được phép mang theo cậu con trai út sinh năm 2006 về cùng.

Day dứt nhớ con xa

“Trở về quê hương đã 7 năm nay nhưng đến bây giờ tôi vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ, không tin số phận mình may mắn đến vậy. Ở bên đó có rất nhiều phụ nữ Việt Nam cũng bị lừa bán làm vợ như tôi, nhưng khi có con rồi, họ thương con mà chịu an phận sống khổ sở”, chị kể.

Sau 13 năm lưu lạc, ngày trở về cái gì với chị cũng mới mẻ. Cha mẹ đã qua đời từ lâu, các anh chị đều yên bề gia thất. Mẹ con chị không có nhà cửa, không tiền bạc nên phải sống nhờ nhà người anh.

Cuối năm 2015, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, mẹ con chị Nga đã được hỗ trợ xây căn nhà tình thường trị giá trên 130 triệu đồng. Có nhà mới, hai mẹ con không còn phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu. Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày chị ra biển lựa cá thuê, nướng cá thuê. Thu nhập bấp bênh nhưng tằn tiện cũng đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Cậu con trai đang chuẩn bị bước vào lớp 4, rất ngoan và thương yêu mẹ. 

Với chị Nga, sau chuỗi ngày nếm trải đắng cay của cuộc đời, đây là thời gian chị được sống bình yên, tự do nhất. Chị tâm sự: “Khi mới đặt chân lên đất nước mình, tôi đã hứa sẽ không trở lại nơi đó nữa, dù còn một người con trai. Chỉ về quê hương tôi mới có được những giây phút bình yên, cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi sẽ sống chết trên chính quê hương của mình”.

Nhắc đến người đàn ông đã chung sống 13 năm, chị trải lòng: “Tôi và chồng đến với nhau chỉ dựa trên một cuộc mua bán chứ không hề có tình yêu. Nên khi quyết định trở về, tôi không luyến tiếc. Tôi trốn về được một năm thì chồng tôi qua tìm, cầu xin mẹ con tôi trở về bên đó nhưng tôi không đồng ý. Điều tôi lo lắng nhất là cậu con trai đầu đang ở cùng gia đình chồng. Nhưng bây giờ, con tôi đã trưởng thành, đã biết đi làm thuê kiếm sống. Thỉnh thoảng mẹ con vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Nó nói đang cố dành dụm tiền để về Việt Nam thăm mẹ và em. Hi vọng sau này, các con tôi có gia đình sẽ hiểu được nỗi khổ của mẹ mà không oán trách”.

Ông Lê Bá Vân, Trưởng Công an phường Quỳnh Lập, cho biết: sau khi chị Nga trở về, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hoàn tất các thủ tục hành chính như cấp lại giấy chứng minh nhân dân, làm lại giấy khai sinh để con chị Nga được đến trường đi học. Chính quyền đã phối hợp với Hội Phụ nữ thị xã, phụ nữ phường động viên, giúp đỡ bằng cách hỗ trợ xây căn nhà tình thương để mẹ con chị Nga ổn định cuộc sống.

Đường về gian nan của các nạn nhân bị buôn bán 

Buôn bán người là một vấn nạn nhức nhối trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đối tượng bị nhắm tới hầu hết là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân, đối tượng buôn người thường lừa dụ dỗ đi làm thuê việc nhàn, lương cao, lấy chồng giàu có… Đa số nạn nhân sau khi bị lừa qua Trung Quốc đều bị đưa đến những vùng hẻo lánh bán cho những người đàn ông nghèo mua về làm vợ. Một số ít phụ nữ may mắn tìm cơ hội trở về Việt Nam. 

Trường hợp chị Nguyễn Thị Phương (SN 1977, ngụ phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) may mắn trở về sau 18 năm bị lừa bán sang xứ người. Năm 1994, khi mới 17 tuổi, chị Phương bị một phụ nữ lừa bán sang Trung Quốc. Thời gian ở Trung Quốc, chị Phương phải làm vợ một người đàn ông ngang tuổi cha mình. Khi người chồng này qua đời, chị trốn ra ngoài làm các công việc như rửa bát, quét rác, rửa chân cho người nhà giàu… để dành tiền nuôi giấc mơ trở về Việt Nam. Sau 18 năm nếm trải bao đắng cay, chị đã trở về được quê hương đoàn tụ với gia đình.

Trường hợp chị Phan Thị Hường (SN 1980, ngụ xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng may mắn trở về sau 16 năm bị bán sang Trung Quốc. Một đối tượng đã giả lái buôn, lợi dụng hoàn cảnh gia đình chị Hường nghèo khó, bố mẹ li hôn để dụ dỗ chị sang Trung Quốc làm ăn, sau đó cũng bán cho người bản địa lấy làm vợ. Sau hàng chục năm làm vợ, sinh được 4 mặt con cho nhà chồng, chị Hường có cơ hội trở về thăm gia đình vào năm 2013.

Sau 16 năm lưu lạc xứ người, chị Hường gặp lại gia đình nhưng không thể dứt tình mẫu tử nên được một tuần, chị lại gạt nước mắt sang Trung Quốc, chấp nhận sống hi sinh, an phận vì 4 người con.

Em Lang Thị Ngọc (SN 1995, ngụ huyện Tương Dương), em Moong Thị Phong (SN 1998, ngụ huyện Kỳ Sơn) cũng là những trường hợp may mắn trở về Việt Nam sau khi bị bán sang Trung Quốc. 

Cả Ngọc và Phong đều là người dân tộc thiểu số (Ngọc dân tộc Thái, Phong dân tộc Mông). Lớn lên từ nghèo khó, nuôi giấc mơ đổi đời nơi xứ người cùng sự nhẹ dạ, các em bị nhóm buôn người lừa gạt bán qua Trung Quốc làm vợ khi đang trong độ tuổi chưa thành niên. Sau một thời gian, được sự giúp đỡ của những người tốt tại Trung Quốc, hai nạn nhân đã trở về Việt Nam và đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi của nhóm buôn người.

(Tên các nạn nhân đã được thay đổi)

Đọc thêm