Cảnh sát trưởng thành phố Orlando John Mina cho biết, thủ phạm được trang bị súng trường tự động, súng ngắn và nhiều thiết bị nổ. Theo ông Mina, vào khoảng 2 giờ sáng thủ phạm đã đấu súng với một nhân viên cảnh sát làm việc tại hộp đêm dành cho người đồng tính này, sau đó lẩn vào trong và bắt giữ nhiều con tin.
Khoảng 3 giờ đồng hồ sau, đội cảnh sát đặc nhiệm SWAT đã quyết định xông vào hộp đêm và giải cứu nhiều con tin. Thủ phạm đã bị tiêu diệt khi đấu súng với cảnh sát.
Có liên hệ với phe cực đoan?
Theo Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), đối tượng xả súng được xác định là Omar Mateen, 30 tuổi, người Mỹ gốc Afghanistan, cư trú tại Port St Lucie, bang Florida và là nhân viên an ninh của công ty an ninh lớn nhất thế giới G4S từ năm 2007.
Trong thông báo, FBI cho biết tên Mateen đã hai lần bị lực lượng an ninh "để mắt", năm 2013 và năm 2014. Đặc biệt, năm 2014, tên này đã bị thẩm vấn về mối quan hệ với Moner Mohammad Abusalha, người Mỹ đầu tiên tiến hành đánh bom tự sát ở Syria, thành viên của mạng lưới khủng bố al Qaeda.
Theo FBI, trước khi tiến hành vụ thảm sát, tên Mateen được cho là đã gọi điện cho 911 và tuyên bố trung thành với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Ngoài ra, FBI thông báo không có nghi phạm thứ hai trong vụ xả súng này và hiện không có mối đe dọa nào quá nghiêm trọng với thành phố Orlando hay trên toàn nước Mỹ.
FBI bước đầu cho rằng vụ xả súng ở hộp đêm trên có thể được coi là một vụ khủng bố trong nước. Có một số dấu hiệu cho thấy thủ phạm đã “hành động như một phần tử Hồi giáo cực đoan”, song chưa có kết luận cuối cùng nào được đưa ra.
Cùng ngày, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc từ Nhà Trắng về vụ xả súng kinh hoàng.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama đã lên án vụ xả súng tại hộp đêm Pulse là hành động khủng bố tàn bạo, một tội ác nhằm vào người dân vô tội. Theo ông Obama, vụ xả súng đã làm tan vỡ trái tim không chỉ của cộng đồng người đồng tính tại Mỹ, mà còn là một ngày đau thương đối với toàn thể người dân Mỹ.
Tổng thống Obama tuyên bố, nước Mỹ sẽ không sợ hãi và người dân Mỹ sẽ đoàn kết hơn. Ông Obama đã chỉ đạo các đạo các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của các đảng cũng đã đồng loạt lên án vụ xả súng bằng những ngôn từ mạnh mẽ. Trong một thông điệp đăng trên trang mạng Twitter, ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillay Clinton nhấn mạnh đó là một hành động rất khủng khiếp. Bà Clinton cũng quyết định hoãn chiến dịch tuần hành dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 tại bang Wisconsin cùng Tổng thống Obama.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của hãng tin NBC, ứng cử viên của đảng Dân chủ - Thượng nghị sỹ Bernie Sanders cho rằng vụ xả súng là "khủng khiếp và không thể tưởng tượng nổi" đồng thời nhấn mạnh Mỹ không nên tiếp tục cho phép bán các loại vũ khí tự động nhằm tạo cơ hội cho những kẻ giết người.
Ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump cũng sử dụng mạng xã hội Twitter, thông báo cảnh sát đang điều tra về khả năng đây là vụ khủng bố. Ông Trump là một trong những nhà chính trị đầu tiên cho rằng lực lượng chức năng đang điều tra vụ việc theo hướng một hành động khủng bố.
Bi kịch nhiều lần lặp lại
Không phải riêng lần này, mà thực tế, nước Mỹ đã từng trải qua nhiều lần đẫm máu và nước mắt.
Ngày 16/4/2007, đã xảy ra vụ thảm sát học đường khi Cho Seung-Hui, một sinh viên gốc Hàn Quốc xả súng nhằm vào các sinh viên tại trường Đại học Công nghệ Virginia làm 32 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Cho Seung-Hui đã dùng súng tự sát ngay sau đó.
Tháng 4/2009, Jiverly Wong, một người Mỹ gốc Việt, nổ súng tại trung tâm di trú Hiệp hội Công dân Mỹ (American Civic Association) ở Binghamton, New York, làm 13 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Wong tự sát ngay sau đó.
Đến 11/2009, thiếu tá Lục quân Mỹ Nidal Hasan xả súng tại căn cứ quân đội Fort Hood ở bang Texas, khiến 13 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Hasan sau đó đã bị bắt và bị Tòa án Liên bang Mỹ kết án tử hình.
Ngày 20/7/2012, trong buổi công chiếu bộ phim The Dark Knight Rises ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado, một vụ xả súng khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Thủ phạm James Holmes Eagan đã bị bắt bên ngoài rạp chiếu phim.
Đến tháng 12, một kẻ có vũ trang xả súng điên cuồng tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary ở thành phố Newtown, bang Connecticut khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 học sinh từ 6-8 tuổi.
Ngày 16/8/2013, tại Navy Yard, đại bản doanh của hải quân Mỹ ở Washington xảy ra vụ xả súng khi Aaron Alexis, 34 tuổi, một cựu nhà thầu dân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Hải quân Mỹ, nổ súng khiến 12 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Kẻ xả súng đã thiệt mạng sau cuộc đọ súng với cảnh sát.
Ngày 1/10/2015, một vụ xả súng đẫm máu tại Đại học Cộng đồng Umpqua, thành phố Roseburg, bang Oregon, làm 10 người thiệt mạng, thủ phạm đã tự sát.
Cuối tháng này, một vụ xả súng xảy ra tại khu buôn bán Colorado Springs, bang Colorado khiến 3 người thiệt mạng. Kẻ xả súng bắn nhiều phát đạn về phía cảnh sát buộc lực lượng an ninh bắn trả và tiêu diệt đối tượng ngay tại hiện trường.
Trong tháng 11, xảy ra một vụ nổ súng khi khoảng 500 người, đa số là thanh niên, đang tham gia một hoạt động âm nhạc ở công viên Bunny Friend tại thành phố New Orleans, bang Louisiana làm 16 người bị thương.
Một vụ khác khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương xảy ra tại một trung tâm kế hoạch hóa gia đình tại hạt Colorado Springs, bang Colorado; đối tượng xả súng đầu hàng sau 5 giờ đồng hồ đấu súng với cảnh sát.
Trong tháng 12/2015, ba tay súng nã đạn vào Trung tâm đào tạo người khuyết tật Inland Regional tại thành phố San Bernardino, phía Nam bang California khiến 14 người thiệt mạng.
Một vụ thảm sát khác cũng xảy ra tại Trung tâm đào tạo người khuyết tật Inland Regional, ở thành phố San Bernadino, phía Nam bang California làm 14 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Hai nghi can người Mỹ là Syed Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 27 tuổi đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng.
Tháng 5/2016, nước Mỹ hứng chịu 2 vụ xả súng xảy ra tại một phòng nhạc ở quận Manhattan, thành phố New York khiến 1 người thiệt mạng và 3 người bị thương; 2 người khác thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ xả súng xảy ra tại thành phố Houston, thuộc bang Texas. Một thủ phạm bị bắn chết và thủ phạm còn lại bị thương nặng sau một cuộc đấu súng với cảnh sát.
Gần đây nhất, ngày 10/6, 2 người thiệt mạng và 17 người bị thương trong một vụ xả súng tại thành phố Chicago, bang Illinois.
Theo cảnh sát Chicago 1 người đàn ông 27 tuổi bị bắn nhiều phát tại Nam Chicago và qua đời tại bệnh viện, trong khi một người đàn ông 26 tuổi bị bắn chết tại Đại lộ Tây Garfield. Trong số nạn nhân bị bắn có 1 bé gái 5 tuổi và 1 người đàn ông 73 tuổi bị bắn vào mặt.
Vấn đề sở hữu súng đạn nhiều năm qua luôn gây tranh cãi tại Mỹ khi liên tiếp xảy ra các vụ xả súng nghiêm trọng. Đầu tháng 1 vừa qua, Tổng thống Obama đã quyết định đơn phương giải quyết vấn đề an ninh súng đạn tại Mỹ với việc sử dụng quyền hành pháp của tổng thống mà không thông qua quốc hội, đưa ra một loạt các quy định về kiểm soát súng đạn…/.
2h02 ngày 12/6, Mateen mang theo một súng trường AR-15, một súng ngắn cùng nhiều băng đạn, lăm lăm tiến vào câu lạc bộ rồi xả súng không ngớt. Có người nghe thấy tới 50 tiếng súng. Người khác thì kể lại rằng "tiếng súng nổ dài bằng cả một bài hát". Trước đó, Mateen dường như đỗ xe và ngồi chờ bên ngoài hộp đêm.
Mateen nổ súng vào khoảng 2h. Đến 5h, đội Chiến thuật và Vũ khí Đặc biệt (SWAT) quyết định hành động để giải cứu con tin bên trong câu lạc bộ.
9 cảnh sát dùng tới biện pháp nghiệp vụ "cho nổ có kiểm soát" để đánh lạc hướng kẻ xả súng trước khi nã đạn tiêu diệt y, giải cứu 30 người đang trốn ở nhà vệ sinh của hộp đêm.
Một sĩ quan đấu súng với Mateen bị bắn trúng nhưng không phải chịu thương tích quá nghiêm trọng bởi viên đạn găm vào chiếc mũ bảo hộ chuyên dụng. Sở Cảnh sát Orlando đã đăng tải bức ảnh cho thấy dấu vết lỗ đạn trên mũ.
Suốt thời gian diễn ra vụ việc, hàng chục phương tiện, bao gồm cả xe của đội SWAT, liên tục tuần tra, đi lại quanh hiện trường.
Theo AP, Mateen là một người luyện tập thể hình, làm nghề bảo vệ, ngoan đạo, thường xuyên đến nhà thờ Hồi giáo địa phương, và từng bày tỏ mong muốn trở thành cảnh sát nhưng chưa bao giờ nộp đơn xin gia nhập lực lượng.
Năm 2013, Mateen lăng mạ đồng nghiệp tại công ty bảo vệ và tuyên bố mình có "liên hệ với khủng bố". Các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lấy lời khai nhân chứng, xem video giám sát và kiểm tra hồ sơ của Mateen, nhưng không phát hiện điều gì bất thường. FBI cũng thẩm vấn Mateen song không tìm thấy điểm đáng ngờ.
Một năm sau, FBI tiếp tục thẩm vấn Mateen vì nhận thấy anh ta có liên hệ với Moner Abu Salha, công dân Mỹ từng tham gia một vụ đánh bom tự sát cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, họ cho rằng mối liên quan là rất nhỏ, không tạo thành nguy cơ đe dọa vào thời điểm đó.
Chính vì hồ sơ bị khép lại nên Mateen mới có thể tiếp tục mua vũ khí để theo đuổi kế hoạch của mình.