Nuôi hy vọng trên miền đất khó

(PLO) - Bá Thước – một trong những huyện 30a nằm ở miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa - đang cựa mình đổi thay, từ nỗ lực đổ mồ hôi tâm trí của bà con các dân tộc nơi đây, và từ cần mẫn mỗi ngày bám bản, bám làng, đồng hành cùng từng gia đình đưa vốn chính sách vào cuộc sống của cán bộ NHCSXH.
Vốn chính sách đã cùng gia đình bà Cao Thị Nhặt và ông Phạm Bá Hoan thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống
Vốn chính sách đã cùng gia đình bà Cao Thị Nhặt và ông Phạm Bá Hoan thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống

Tìm hướng đi để đổi thay vùng nông nghiệp lạc hậu

Trong cuộc sống của gia đình đình ông bà Phạm Bá Hoan và Cao Thị Nhặt (dân tộc Mường, thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), vốn chính sách ghi dấu khá rõ ràng. Để phát triển kinh tế gia đình, ông bà vay chương trình hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, để cải thiện chất lượng cuộc sống, ông bà vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, và để cho con trai Phạm Văn Đức đi học, ông bà vay chương trình học sinh sinh viên. Ông Phạm Bá Hoan kể, cùng với mấy chục triệu đồng từ những đợt vay vốn ấy, cuộc sống gia đình đổi thay rồi, thoát nghèo rồi, thoát nghèo cả về tài sản cả về kiến thức nữa.

Bà con xung quanh nói, ông bà Hoan – Nhặt chịu khó lắm, từ đôi tay cần cù của ông bà, một vùng đồi núi đá sỏi gồ ghề được cải tạo dần dần qua năm tháng thành vườn cây ao cá, vườn mùa nào thức ấy, luôn xanh tốt. Còn ông Hoan chia sẻ với chúng tôi, không có sự đồng hành của vốn chính sách và của cán bộ hội đoàn thể, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH Bá Thước, thì hành trình của gia đình không dễ dàng đến như vậy được.

Và trên con đường đó, hai người con lớn của ông bà đã trưởng thành, làm giáo viên, làm cán bộ xã, cậu con út sau thời gian học trên phố trở về làm nông với ông bà nhưng đem theo về cả kiến thức khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm học hỏi giao lưu qua Internet và nhạy bén thị trường để bắt đá sỏi phải nghe lời con người. Chính anh tiên phong đưa giống dưa kim cô về vườn nhà, thức đêm thức hôm chăm dưa như chăm con, và thu được mùa vàng, thu được cả tiếng “dưa nhà ông Hoan anh Đức”. “Từ đó, tôi khuyến khích bà con trong vùng tham khảo cách thức trồng dưa, trồng các giống cây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, không thụ động ngồi chờ mùa vụ như bao năm nay nữa” – anh Đức nói.

Giờ, trong chuồng có đàn lợn lai rừng và vài trăm con gà, ngỗng, ngoài vườn có vạt ớt trồng qua mùa đông chờ tới vụ dưa mới. “Gia đình đang tính vay vốn giải quyết việc làm hay mới thoát nghèo để có thể cải tạo chuồng trại, làm nhà lưới chủ động trồng trọt, đưa công nghệ cao vào thay đổi nông nghiệp lạc hậu bao đời ở vùng quê” – ông Hoan chia sẻ.

Nuôi những niềm hy vọng

Bá Thước có 22/23 xã, thị trấn thuộc diện vùng khó khăn. Gần 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái, Mường, với 4.966 hộ nghèo (tỷ lệ 18,74%), 4.863 hộ cận nghèo (tỷ lệ 18,35).

Sau 16 năm “đứng chân” trên địa bàn, hoạt động tín dụng chính sách qua NHCSXH đã tạo bước đột phá về nguồn vốn đầu tư cho người nghèo, tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, giảm áp lực về nguồn kinh phí cho ngân sách huyện, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57,84% (năm 2002) xuống còn 50,16% (giai đoạn 2011 - 2015), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều từ 26,19% năm 2015 xuống còn 18,73% năm 2017.

Đến hết tháng 9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng đạt gần 377,5 tỷ đồng. Doanh số cho vay gần 105,63 tỷ đồng, với 3.594 lượt khách hàng được vay vốn, mức cho vay bình quân 29,4 triệu đồng, cơ bản đã thực hiện cho vay hết chỉ tiêu tín dụng được giao. Nợ quá hạn chiếm 0,1% tổng dư nợ, nợ khoanh chiếm tỉ lệ 0,13% tổng dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 60.000 lượt hộ, giúp 32.819 hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường, góp phần đưa 21.183 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách...

Việc triển khai các chương trình tín dụng lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn thị trường... tăng thêm hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đang mang tới những kỳ vọng đổi thay đáng bộ mặt địa phương trong thời gian tới.

“Nguồn vốn tín dụng ưu đãi ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vùng có điều kiện khó khăn, những nơi ít được tiếp cận vốn vay, đưa các chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội rất to lớn, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta - Nhà nước của dân, do dân, vì dân” – ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc PGD NHCSXH Bá Thước chia sẻ.

Đọc thêm