Mẹ của bệnh nhi chia sẻ, con trai chị rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, bé trai giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nuôi.
Khoảng 15h30 ngày 3/5, bệnh nhi thay chuồng cho rắn trong phòng riêng của mình, quá trình di chuyển rắn, bệnh nhi có dùng que sắt gắp rắn sang hộp khác. Tuy nhiên, trong lúc đóng hộp nuôi rắn lại thì bị rắn cắn vào ngón tay trỏ.
Sau tai nạn, bệnh nhi chạy ra báo người nhà và người nhà chạy vào phòng kiểm tra, thì tá hỏa thấy 3 con rắn được để trong hộp và giấu trong tủ quần áo. Gia đình lập tức đưa bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng mệt, mặc dù vừa bị rắn cắn nhưng bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức…
Bệnh nhi cho biết bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ngay lập tức bệnh nhi được điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương…
Sau 1 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đang dần ổn định. Dự kiến, bệnh nhi có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Cũng theo Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc - Bệnh viện Nhi trung ương, rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.
Ở nước ta, rắn cảnh rất đa dạng và phong phú được bán tại các cửa hàng thú nuôi trên mạng. Hướng dẫn cách nuôi rắn tại các cửa hàng cũng khá đơn giản, thường chỉ trang bị một hộp có nắp đậy, thiết kế một cái hang, đặt một khay nước. Tuy nhiên, khác với chó, mèo, chim là những loài thú cưng quen thuộc, rắn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ tự mua về nhà nuôi.
Rắn là loài ăn thịt sống thường mắc các bệnh về kí sinh trùng như giun, sán, ve, các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây sang người khi tiếp xúc với rắn hàng ngày. Thức ăn của rắn là thạch sùng, chuột…, những động vật trung gian gây bệnh cho người như dịch hạch. Trẻ nhỏ khi nuôi những loài rắn có nọc độc như rắn lục đuôi đỏ… có thể bị cắn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Từ những nguy cơ trên, bác sĩ Duy khuyến cáo các cha mẹ thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ không nên cho trẻ nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình.