Từ chàng 17 tuổi học hết lớp 3
Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa là con thứ bảy trong gia đình.. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Năm 1953 (17 tuổi), ông bị ba mẹ ép cưới vợ. Không muốn lập gia đình sớm, ông trốn ba mẹ tham gia cách mạng. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, ông Bảy là một trong số rất ít người được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay phản lực ở Liên Xô.
Trước đó, do học chưa hết lớp 3, ông phải học ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn và được phổ cập từ lớp 4 lên lớp 10. Tháng 4/1965, ông hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Ông được phân công vào biệt đội MIG 17 chuẩn bị phản ứng nhanh khi máy bay địch xâm nhập bầu trời Hà Nội.
Từ năm 1965 -1967, phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia vào 13 trận đánh khốc liệt trên bầu trời miền Bắc, tiêu diệt 7 máy bay hiện đại, tối tân của Mỹ lúc bấy giờ như: Thần sấm F105, con ma F4H hay thập tự quân F8C...
Với chiến công lẫy lừng ấy, ông là 1 trong 3 phi công đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1967. Lúc này ông 31 tuổi mang quân hàm thượng úy binh chủng Phòng không- Không quân.
Điều tự hào và niềm hạnh phúc cả đời của một sĩ quan cao cấp không quân là ông vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần. Ông Bảy đã 7 lần được thưởng 7 chiếc Huy hiệu Bác Hồ về những chiến công đặc biệt xuất sắc.
Tháng 4 năm 1966, ông tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ở sân bay Cát Bi.
Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PK-KQ).
Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.
“Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”
Năm 1990, đang làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, ông Bảy viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông bảo: “Đủ rồi, giao lại cho lớp trẻ. Tao muốn về quê cày ruộng”. Nói sao làm vậy. Rời quân ngũ sau 40 năm chinh chiến, với những chiến công lẫy lừng, ông Bảy “bỏ phố về làng”, đưa người bạn đời đồng hương cùng tập kết ra Bắc năm 1954 về quê sống như những người dân quê thực thụ. Cứ như chưa từng có những ngày quần nhau với máy bay Mỹ trên bầu trời Võ Nhai, Chí Linh, Nam Hà, Đức Giang, Kiến An...
Xa quê gần nửa thế kỷ, ông Bảy “tập lại làm lão nông”. Vụ lúa đầu tiên bội thu. Ông Bảy chở 5 giạ lúa mới đi xát thành gạo rồi kêu xe đưa thẳng đến trường Trẻ em khuyết tật tặng các cháu. Không chỉ trồng lúa giỏi, ông Bảy còn nổi tiếng “có tay” nuôi chim, cá và trồng khoai mì. Năm 2011, ông Bảy giới thiệu củ khoai mì nặng trên 20kg - sản phẩm “cây nhà lá vườn” của ông.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy |
Đến nỗi nhiều đoàn cựu chiến binh - phi công Mỹ đến thăm nhà, gặp ông, không ai nghĩ ông già nông dân rặt Nam bộ này là đối thủ của mình trên bầu trời miền Bắc Việt Nam những năm chiến tranh. Cuối năm 2015, khi gặp ông, Thiếu tá phi công Hải quân Charlie Plumb, người từng đụng độ với ông tại Quảng Yên ngày 24/4/1967 tỏ ra ngỡ ngàng.
Viên cựu phi công Mỹ không nghĩ người bắn hạ các máy bay của Không lực Hoa Kỳ được mệnh danh “bất khả chiến bại” lại là một ông già bình dị, hóm hỉnh. Nhiều cựu binh Mỹ hỏi ông, sao lại lựa chọn cuộc sống bình dị đến vậy? Ông cười: “Ở đất nước chúng tôi, ra ngõ gặp anh hùng”.
Ông Bảy để râu là để tưởng nhớ Bác Hồ. Sinh thời, Bác Hồ rất yêu quý các chiến sĩ phi công, đặc biệt phi công người miền Nam, trong đó có ông Bảy. Bác nói, những người dũng cảm, lập công xuất sắc, nhiều kinh nghiệm như phi công Nguyễn Văn Bảy cần giữ lại làm cán bộ huấn luyện. Bởi nếu để ông Bảy tiếp tục lái máy bay chiến đấu mà hy sinh thì Bác có lỗi với đồng bào miền Nam lắm! Bác muốn bà con miền Nam được đón ông Bảy trở về, như một huyền thoại bằng xương, bằng thịt…
Trong cuốn Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (NXB QĐND, 2005), ở chuyện kể của anh hùng Nguyễn Văn Bảy (nhà văn Đoài Hoài Trung ghi), ông kể lần đầu tiên ông gặp Bác Hồ là lúc huấn luyện cơ bản xong, chuẩn bị sang Trung Quốc học lái máy bay của tốp phi công Việt Nam đầu tiên vào năm 1958.
Bác đến, ân cần thăm hỏi từng cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị lên đường học phi công và hỏi: “Chú nào quê ở miền Nam đi học lái máy bay đợt này?”, ông cùng các anh em miền Nam giơ tay. Bác Hồ động viên: “Các chú phải cố học thành tài, để sau này thống nhất nước thì lái máy bay chở Bác về thăm đồng bào miền Nam. Đồng bào thấy con em mình ra miền Bắc được ăn học thành phi công thì chắc sẽ vui mừng lắm”. Lời dặn thiêng liêng của Bác khi đó, ông Bảy ghi sâu vào trong tim.
“Tôi có một câu chuyện muốn kể cho Bác nghe rằng trước khi tập kết ra Bắc, tôi có cùng anh chị em đi làm cỏ, sửa sang lại mộ cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Lãnh. “Ngày ấy, mọi người đã nói với nhau sau này ra miền Bắc sẽ kể tỉ mỉ việc ấy cho Bác nghe, nhưng thật không ngờ cơ hội ấy mãi mãi không còn, vì Bác đã mãi mãi ra đi vào ngày 2/9/1969”, ông tiếc nuối.
Ông Bảy là người đứng trực bên linh cữu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày lễ tang Bác. Và ông cũng là người dẫn đầu 12 chiếc máy bay trên Quảng trường Ba Đình trong lễ chào tiễn biệt Bác. Ông kể lại trong sách: “Đứng trực linh cữu của Người mà tôi không kìm được nước mắt vì ân hận còn chưa làm tròn lời hứa đồng đội gửi gắm, nói cho Bác tấm lòng của bà con miền Nam với cụ Phó bảng và với Bác”.
Vĩ thanh
Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, tác giả hai tập tự truyện Lính bay, chia sẻ: “Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Và dù được phong anh hùng từ sớm sau đó làm cán bộ chỉ huy, làm đại biểu Quốc hội nhưng ông sống giản dị, chan hoà với anh em chiến sỹ, cấp dưới...”.
Những ngày gần đây, biết tin anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bất ngờ đổ bệnh, nhiều cựu phi công Mỹ đã lo lắng gửi điện hỏi thăm, nhờ Trung tướng Phạm Phú Thái đăng lên Facebook. “Kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, chắc chắn ông sẽ luôn đứng đầu trong các phi công của mọi thời đại.
Nhưng những nỗ lực của ông trong hòa bình và hòa giải có thể còn quan trọng hơn nữa khi tình bạn giữa các nước chúng ta và giữa các đối thủ trước đây đã phát triển. Biết ông, đối với bản thân tôi là một điều đặc biệt trong cuộc đời. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông những điều tốt lành”, Rick Hartnack, cựu Thuyền trưởng USMC và người hỗ trợ F-4 với phi công Charlie Tutt đã viết như vậy…
Có thể nói, không phải vì ông là phi công duy nhất trên thế giới chỉ với loại MIG-17 cổ lỗ bắn rơi tới 7 máy bay hiện đại Mỹ. Không phải vì suốt những trận không chiến ông không phải nhảy dù thoát thân lần nào, dù có lần máy bay của ông dính tới 82 mảnh tên lửa.
Không phải vì ông là phi công hạng ACE hiếm hoi của Việt Nam và thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai trở lại đây. Cũng không hẳn vì tên ông được chọn đặt cho một đường phố ở Nha Trang từ lâu khi ông vẫn còn sống, điều gần như chưa từng xảy ra…
Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta đã đưa những thanh niên nông dân như Nguyễn Văn Bảy cùng rất nhiều trai làng lam lũ khác trở thành những phi công chiến đấu lừng danh. Chúng ta có một thế hệ để kiêu hãnh! Đất nước của chúng ta hôm nay là tập hợp của những trang sử hào hùng và đẫm máu.
Sự ra đi của anh hùng, Đại tá Nguyễn Văn Bảy không chỉ là sự ra đi của một nhân vật lịch sử mà còn là khoảng trống không thể bù đắp được cho một thế hệ huyền thoại, một thế hệ ưu tú đã và đang dần khuất bóng theo quy luật của thời gian… Có một anh hùng huyền thoại vĩ đại như thế vừa bay về trời…