Ô nhiễm không khí kéo dài đe dọa sức khỏe người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM liên tục ở mức báo động đỏ, với những chỉ số về ô nhiễm ở tốp đầu thế giới. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, việc người dân chủ động bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Người tham gia giao thông bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách đeo khẩu trang. (Ảnh: TTXVN)
Người tham gia giao thông bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách đeo khẩu trang. (Ảnh: TTXVN)

Sống chung với ô nhiễm không khí

Vào 9h12 ngày 17/1, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, Hà Nội đứng đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức “rất không tốt” là 234. Tương tự, vào sáng sớm ngày 14/1, TP HCM cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức “rất không tốt” là 214 và có thời điểm xếp hạng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ thể hiện qua các số liệu quan trắc mà còn được người dân cảm nhận rõ rệt trong đời sống hàng ngày. Bằng mắt thường, người dân tại Hà Nội và TP HCM có thể dễ dàng nhận thấy bầu không khí đậm đặc bụi mịn, giống như một lớp sương mù bao phủ, kéo dài suốt cả ngày, nhất là vào buổi sáng sớm. Lớp bụi mịn dày đặc không chỉ che mờ tầm nhìn mà còn mang lại cảm giác ngột ngạt, khó chịu.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày cuối tuần khi lưu lượng giao thông tăng cao, ngay tại đường Phan Đình Phùng - nơi được xem như “lá phổi xanh” của Thủ đô với hàng cây cổ thụ rợp bóng, người dân vẫn cảm thấy ngột ngạt. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng nếu ở ngoài đường từ 2 - 3 tiếng mà không đeo khẩu trang, họ sẽ cảm thấy khô mũi, khó thở.

Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân

Thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM không phải là vấn đề mới. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi cứ vài tháng lại có một khoảng thời gian ô nhiễm không khí kéo dài. Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, các chuyên gia về môi trường nhận định nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc chưa kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải ô nhiễm từ phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác, làng nghề và các công trình xây dựng.

Đáng chú ý, nguồn phát thải ô nhiễm đi kèm với nồng độ bụi mịn vô cùng cao, vượt ngưỡng an toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Nói rõ hơn về mức độ nguy hại của bụi mịn tới sức khỏe, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần/ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hàng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở, PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, các chỉ số bụi mịn PM2.5 và khí NO2 liên tục vượt ngưỡng không chỉ là những con số khô khan, mà chính là lời cảnh báo trực tiếp về mối đe dọa đối với sức khỏe hàng triệu người dân. Đặc biệt, trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính là các nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng ô nhiễm này.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí đô thị ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ đã và đang xây dựng các đề án xử lý. Các Bộ, ngành liên quan cũng triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trên, như Bộ Giao thông vận tải dự thảo quy định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều lĩnh vực và cần một quá trình lâu dài để thực hiện. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí kéo dài, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe. Các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI. Theo đó, mức chỉ số AQI bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe con người là từ 151 - 200 (AQI ở mức xấu) đối với những người bình thường, người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng từ 101 -150 (AQI ở mức kém). Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khoẻ được khuyến nghị bao gồm: Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí để thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, hạn chế hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang chất lượng cao (N95, KF94) khi ra khỏi nhà…

Đọc thêm