Ô nhiễm không khí - nhân tố hàng đầu của nhiều loại bệnh dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi.
Ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi.

Nguồn cơn của nhiều căn bệnh

Khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng tại các quốc gia châu Á, nhiều người đã ít quan tâm hơn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đây lại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp.

Điển hình tại Ấn Độ , các nhà chức trách đã nỗ lực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tình trạng bụi mịn. Tuy nhiên, năm nay, Ấn Độ phải đón nhận nguy cơ sức khỏe kép từ ô nhiễm và Covid-19. Theo trang thống kê Worldometer, dịch Covid-19 đã khiến khoảng 7,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 116.000 người tử vong.

Trong cùng khoảng thời gian đó, bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra thiệt hại to lớn về con người và kinh tế của thành phố New Delhi, ước tính khoảng 23.000 sinh mạng và 3,4 tỉ USD. Năm ngoái, New Delhi cũng được IQAir trao “danh hiệu” thủ đô ô nhiễm nhất thế giới lần thứ 3 liên tiếp.

Ấn Độ đã phải áp dụng lệnh phong tỏa từ nhiều tháng qua để ngăn chặn virus nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch. Các chuyên gia lo ngại mùa ô nhiễm đến sẽ gia tăng khả năng lây nhiễm virus trong cộng đồng, đồng thời gia tăng căng thẳng đối với dịch vụ y tế cộng đồng.

Không chỉ riêng Ấn Độ, các lệnh phong tỏa ở các nước vô tình góp phần cải thiện chất lượng không khí ở nhiều nơi và trong nhiều tháng. Dẫu vậy, dữ liệu ở nhiều đô thị lớn tại châu Á cho thấy những trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí vẫn nhiều hơn số nạn nhân Covid-19.

Sốt xuất huyết cũng là dịch bệnh có nguồn cơn từ ô nhiễm không khí. Đây là bệnh do muỗi truyền có khả năng lây lan nhanh nhất. Tỉ lệ mắc mới của sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trên toàn cầu trong vòng 50 năm qua. Theo các chuyên gia y tế thế giới, sự biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, định cư đô thị không có quy hoạch và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn tới gia tăng muỗi sinh sản, đặc biệt tại các khu vực đô thị và bán đô thị. “Sự gia tăng trường hợp bệnh sốt xuất huyết là đáng lo ngại”, một chuyên viên cao cấp của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

Mặt khác, một nghiên cứu của Đại học New Jersey chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai tiếp xúc với ô nhiễm không khí mức độ cao có nguy cơ thai chết lưu cao hơn so với phụ nữ mang thai tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn. Cùng với đó, trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động ngoài trời trong những ngày có ô nhiễm ozone cao có nguy cơ mắc bệnh hen. Việc tiếp xúc lâu dài với ozon sẽ làm giảm chức năng phổi từ từ và vĩnh viễn.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm qua, đặc biệt là sự gia tăng của tình trạng bụi mịn. Theo thống kê của Tổ chức Thông tin về Chất lượng Không khí Toàn cầu IQAir AirVisual dựa trên mức đo về lượng bụi siêu mịn PM2.5/m3, Việt Nam đứng thứ 17, trong đó riêng Hà Nội và TP HCM nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Cũng theo số liệu của WHO, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất do ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí không chỉ tác động khiến nhiều loại dịch bệnh phát triển mạnh mà còn gây ra những căn bệnh nguy hiểm về phổi, tim mạch. Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.

Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Theo số liệu của WHO, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Đây là những con số đáng báo động về tác động của ô nhiễm không khí đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh của con người.

Ô nhiễm không khí là nguồn cơn của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt có thể khiến tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng hơn. Ảnh minh họa

Ô nhiễm không khí là nguồn cơn của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt có thể khiến tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng hơn. Ảnh minh họa

Cần thực hiện mục tiêu kép

Sự phát triển của các loại dịch bệnh liên quan mật thiết đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí. Vì vậy, mục tiêu kép đặt ra là vừa phải thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa cải tạo môi trường, hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, để hạn chế ô nhiễm không khí, ngăn sự tác động tới dịch bệnh không phải là điều đơn giản khi mà nó đã trở thành bệnh “kinh niên” của các quốc gia châu Á. Để giải quyết điều này, theo các chuyên gia, không có một biện pháp nào có thể xử lý hoàn hảo. Đại diện của AIRPARIF - Cơ quan giám sát chất lượng không khí vùng Ile-de-France (Pháp) cho biết: “Không tồn tại một giải pháp hoàn hảo để giảm thiểu ô nhiễm không khí, chúng ta cần một gói giải pháp ở các cấp độ, với các đối tượng khác nhau”. Ở cấp độ khu vực và quốc gia, cần giải quyết tình trạng ô nhiễm xuyên biên giới, cam kết cắt giảm khí thải, nhằm cải thiện chất lượng không khí trên toàn khu vực.

Đối với cá nhân, mỗi người cần góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và biết cách tự bảo vệ bản thân với các biện pháp như: Không nên ra ngoài khi tình hình ô nhiễm không khí ở nơi sống đang ở mức cao. Làm việc ở ngoài trời vào những thời điểm này có thể làm tăng nguy cơ bệnh phổi, đau tim, bệnh hen và các vấn đề sức khỏe khác. Chưa kể tại những vùng dịch bệnh phức tạp, việc chủ quan vấn đề ô nhiễm không khí cũng có thể khiến bản thân mắc bệnh.

Khẩu trang, máy lọc không khí... là những sản phẩm và thiết bị được các bác sĩ khuyến cáo người dân cần trang bị để bảo vệ cơ thể từ bên ngoài, có thể vừa phòng chống dịch, vừa hạn chế tác động ô nhiễm. Tuy nhiên, không phải cứ mua về là sẽ dùng hiệu quả. Hiện nhiều người suy nghĩ đeo càng nhiều lớp khẩu trang càng chống được bụi mịn. Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM - cho biết, không phải là sử dụng bao nhiêu chiếc khẩu trang mà quan trọng là khẩu trang bạn sử dụng phải là khẩu trang tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một khẩu trang tốt cần có đủ 5 lớp, trong đó có đủ 3 lớp màng lọc: màng than hoạt tính, màng lọc tĩnh điện, màng lọc các hạt nhỏ. Ngoài ra còn có lớp thoáng để giảm cảm giác ngột ngạt khi đeo và lớp vải không dệt để lọc các chất ô nhiễm có kích thước lớn.

Cần chú ý khẩu trang chỉ được sử dụng một lần, không giặt sử dụng lại vì sẽ làm phá hủy lớp màng bảo vệ. “Việc dùng hai chiếc khẩu trang hay lót thêm giấy không có bằng chứng cải thiện tác hại bụi mịn so với một chiếc. Mặt khác, việc dùng quá nhiều lớp khẩu trang có thể làm cho người sử dụng bị ngột ngạt, khó chịu hơn” - bác sĩ Nhiên nói.

Còn máy lọc không khí, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần mua ở cơ sở uy tín, có bảo hành, nơi sản xuất và chứng nhận nhà sản xuất rõ ràng. Thông thường, những máy lọc không khí tốt đều có phần lọc tương thích chuẩn HEPA.

Trong trường hợp không trang bị máy lọc không khí, người dân cũng có thể áp dụng một số biện pháp như: Thường xuyên vệ sinh và thay bộ lọc máy điều hòa; quét, lau sàn nhà; trồng cây xanh, đối với những nhà không có khoảng vườn thì nên ưu tiên những loại cây thải khí O2 về đêm như: lô hội (nha đam), trầu bà, lưỡi hổ...

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý trang bị mắt kính và áo khoác khi di chuyển ngoài đường. Trong thời gian này, người dân nên hạn chế đi lại, kể cả việc đi bộ thể dục tại những nơi đông người theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm phòng tránh nguy cơ lây dịch và hạn chế tác động của ô nhiễm không khí. Không khí ô nhiễm thường đạt mức cao nhất trong ánh nắng mặt trời, vì thế tập gym trong nhà vào những ngày trời nóng sẽ giúp tránh phơi nhiễm. Một lưu ý cần quan tâm là người dân nên đổ xăng vào buổi chiều tối vì ánh nắng cũng góp phần làm tăng phát thải khí xăng vào ban ngày.

Các biện pháp bảo vệ bản thân từ bên trong, tăng sức khỏe đề kháng cho cơ thể cũng là điều mà người dân cần quan tâm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân trong mùa dịch bệnh.