Ở nơi ấy, trên ngọn núi cao…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng sớm hôm đó, sau một chặng đường dài vất vả đến Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu), Sú - cô gái H’Mông xinh xắn đón chúng tôi với nụ cười vồn vã, như đón bạn bè, người thân về nhà. Sú vốn nổi tiếng với bộ ảnh đám cưới như cổ tích cùng chú rể người Sài Gòn trong những ngày đại dịch…
Hảng Thị Sú. (Ảnh NVCC)
Hảng Thị Sú. (Ảnh NVCC)

Mùa táo mèo nở hoa

Ka Sa (tiếng H’Mông có nghĩa là bình yên) - quán cà phê của vợ chồng Sú nằm trên đỉnh đồi, một không gian tuyệt đẹp để ngắm hoàng hôn xuống hay bình minh lên và có thể nhìn thấy toàn cảnh Sin Suối Hồ bồng bềnh trong sương…

Những ngày này, trên trang cá nhân của mình, Hảng Thị Sú thường chia sẻ về mùa hoa táo mèo trắng muốt đã nở rộ trên đỉnh Sơn Bạc Mây - đỉnh núi quanh năm mây trắng. Và ngay góc sân quán Ka Sa cũng là một cây táo mèo tuyệt đẹp đã 100 tuổi…

Hảng Thị Sú (SN 1996) sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hà Nội, cô đã quyết định trở về bản làng của mình cùng cha và bà con phát triển du lịch cộng đồng. Bản Sin Suối Hồ nơi Sú lớn lên từng là một vùng đất nghèo đói, chìm trong nghiện ngập.

Trước kia, người H’Mông ở đây sống lay lắt. Trừ trẻ em ra thì hầu hết người dân bản Sin Suối Hồ đều nghiện thuốc phiện. Cơm không đủ no, quanh năm chỉ sống cùng ngô, khoai, măng, sắn và những cây, củ, quả kiếm được trong rừng.

Đến nay, sau 20 năm người dân “bảo nhau” từ bỏ thuốc phiện, cai nghiện rượu, Sin Suối Hồ đã “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm du lịch cộng đồng với tiêu chuẩn 5 không: không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không rượu chè, không cờ bạc, không xả rác. Cả bản rực rỡ sắc màu với nhiều homestay và 40.000 gốc địa lan trải khắp mọi con đường.

Tiếp nối lớp người đi trước như cha mình, người mở homestay đầu tiên ở bản làng, Sú luôn tìm cơ hội quảng bá cho du lịch địa phương. Từ ngày còn đi học ở Hà Nội, Sú đã nói tiếng Anh rất tốt, cô thường xuyên dẫn bạn bè và các đoàn khách nước ngoài về bản. Trước khi làm quản lý Hợp tác xã Trái tim Sin Suối Hồ (hợp tác xã gồm 12 hộ gia đình liên kết phát triển du lịch), Sú dành một năm làm việc ở Sa Pa để trau dồi kinh nghiệm.

Với vai trò quản lý hợp tác xã, Sú quen biết nhiều người, đón nhiều đoàn khách đến thăm quan, sắp xếp khách cho các homestay hoặc hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

Trong một lần tiếp đón đoàn thiện nguyện tổ chức trại hè cho trẻ em trong bản, Sú quen chị Nguyễn Thị Như, sống tại TP HCM. Bởi yêu mến cô gái H’Mông dễ thương và mến khách, Như liền “khoe” với Sú về Nguyễn Thanh Ngọc, cậu em ruột sinh năm 1994 đang là một đầu bếp khách sạn 5 sao, kiêm nhiếp ảnh gia nhưng vẫn độc thân của mình.

Lúc đầu Sú chỉ nghĩ, có thêm một người bạn là có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh bản làng như mọi lần, Sú vui vẻ kết bạn với Ngọc.

Nguyễn Thanh Ngọc khi ấy đang là nhiếp ảnh gia và đầu bếp của một khách sạn 5 sao ở Phú Quốc (Kiên Giang). Qua mạng xã hội, họ thường chia sẻ cho nhau hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt ở hai nơi. Cô gái Tây Bắc biết đến nhiều món đặc sản Kiên Giang, những bãi biển đầy nắng và gió ở Phú Quốc.

Qua những tấm hình Sú gửi đến, Ngọc lại được “tham quan” ngôi nhà tổ chim trên đường đến thác Trái tim ở bản người H’Mông, vườn táo mèo, vườn địa lan rực rỡ sắc màu…

Thế rồi, khoảng thời gian du lịch ảnh hưởng vì COVID-19 đầu năm 2020, cả hai trò chuyện nhiều hơn và bắt đầu mong chờ tin nhắn, cuộc gọi của người kia.

Tháng 12/2020, Ngọc có chuyến công tác lên Hà Giang trong một chương trình tình nguyện áo ấm mùa đông và quyết định hẹn gặp cô gái mình đã trò chuyện hàng ngày suốt một năm qua mạng. Thanh Ngọc thừa nhận, dù chưa được gặp gỡ Sú mà chỉ xem về cô trên kênh Youtube nhưng anh đã ấn tượng bởi cô nói tiếng Anh lưu loát, nhanh nhẹ và dễ thương. Cô gái giúp bà con trong bản làm du lịch cộng đồng, nhiệt tình từ tìm kiếm khách hàng, giới thiệu homestay…

“Ngày đầu nghe tin anh từ Hà Giang bắt xe đến Lai Châu, mình háo hức chờ đợi nguyên một ngày, không làm được việc gì luôn”, Sú nhớ lại ngày đầu gặp mặt. Bữa ấy, cô từ bản xuống thành phố Lai Châu 30km từ sáng sớm, nhưng đến tận chiều tối Ngọc mới tới nơi.

Thời tiết cuối năm lạnh giá, Ngọc bị ốm vì thay đổi thời tiết đột ngột từ Nam ra Bắc. Chàng trai càng xúc động khi được Sú quan tâm mua cho từng viên thuốc, chăm chút từng bữa ăn.

Trước đêm trở về TP HCM, trong quán cà phê nhỏ nhìn ra toàn cảnh Sin Suối Hồ và mênh mang ruộng bậc thang trước mặt, bên ánh lửa bập bùng, Ngọc cầm tay Sú lấy hết can đảm tỏ tình.

Đám cưới cổ tích trên đỉnh Sơn Bạc Mây

Trở về TP HCM, Ngọc tạm dừng công việc ở Phú Quốc để đi học tiếng Anh. Anh đếm từng ngày để được ra Lai Châu thăm người yêu dịp nghỉ lễ 30/4. Kỳ nghỉ lễ này không ngờ kéo dài hơn tưởng tượng. Vì COVID-19, Ngọc mắc kẹt lại bản Sin Suối Hồ, không thể về nhà suốt nhiều tháng liền.

Ngọc và Sú. (Ảnh NVCC)Ngọc và Sú. (Ảnh NVCC)

Vốn tính tự lập, từng trải qua nhiều môi trường sống và công việc, Ngọc sớm thích nghi với cuộc sống ở bản người H’Mông. Những ngày đầu, anh phụ bố mẹ Sú dựng nhà, nấu cơm cho thợ hồ, trồng hoa, cải tạo quán cà phê. Đến ngày mùa, anh học cách cầm cày, làm đất, nhổ mạ và xắn quần xuống ruộng cấy nhanh thoăn thoắt. Việc gì bà con làm anh cũng học làm cho được…

Ngày 24/6 năm đó, Sú khiến Ngọc bất ngờ bởi bữa tiệc sinh nhật đầm ấm. Nếu như những năm trước, ngày sinh nhật trôi qua buồn tẻ với những lời chúc xã giao thì năm nay, Ngọc được đón tuổi mới bên người yêu giữa bản làng Tây Bắc. Tiệc sinh nhật không bánh, không hoa, chỉ có sự ấm áp trong đại dịch khiến Ngọc rưng rưng xúc động…

Những người dân bản Sin Suối Hồ vô cùng cảm mến chàng trai người Kinh hiền lành, chăm chỉ. Họ thường nhờ Sú làm thông dịch để trò chuyện cùng anh. Ai cũng khen cả hai đẹp đôi và mong họ sớm nên duyên. Khoảng thời gian Ngọc “ở rể”, bố mẹ Sú càng thêm cảm mến chàng trai hiền lành, chăm chỉ, gì cũng biết làm.

Những ngày ở bản, Ngọc thêm hiểu về công việc, sự vất vả và đam mê phát triển du lịch địa phương của Sú. Dù Sú chỉ là một cô gái nhỏ bé nhưng cô đã giúp cho rất nhiều hộ dân trong bản tìm thấy nguồn thu nhập từ khách du lịch. Chính vì thế, chàng trai quyết định ở lại vùng đất xa xôi này để cùng người yêu lập nghiệp, giúp đỡ bà con phát triển du lịch địa phương.

Sú chia sẻ, trong lòng cô từng lo lắng về khoảng cách địa lý và khác biệt về dân tộc nhưng cuối cùng, Ngọc chủ động chia sẻ ý định muốn đến Lai Châu sống, lập nghiệp cùng người yêu.

Tại bản, Sú có một quán cà phê nhỏ chuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi lên đây, Ngọc phụ người yêu trang trí thêm cho quán, trồng rau, cây trái. Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, không thể đón khách du lịch, cặp đôi cùng đi leo núi, làm ruộng, tự làm trang trại…

Trước đó, cặp đôi đã lên kế hoạch hai năm nữa khi kinh tế, công việc ổn định mới cưới. Nhưng khoảng thời gian Ngọc mắc kẹt tại bản đã khiến cả hai hiểu và yêu nhau hơn. Thời điểm ấy, ở TP HCM, gia đình Ngọc liên tục gọi điện ra giục con trai làm đám cưới. Chàng trai trẻ có chút bối rối nhưng lại thấy lời khuyên “cưới vợ phải cưới liền tay” của bố mẹ và chị gái vô cùng hợp lý.

Vậy là sau một năm quen nhau và 9 tháng hẹn hò, dưới sự ủng hộ của gia đình hai bên, cặp đôi quyết định về chung một nhà. Sau màn cầu hôn lãng mạn, Ngọc và Sú lên ý tưởng tổ chức lễ cưới ngoài trời để có thể hoà mình vào thiên nhiên, lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày trọng đại.

Để chuẩn bị cho lễ cưới diễn ra vào 5h chiều ngày 25/9/2021, cặp đôi thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị. Cả ngày hôm đó trời mưa không dứt. Nhưng họ vẫn quyết định tổ chức hôn lễ. Đôi trẻ dầm mưa dựng cổng, cắm hoa. Không gian tiệc cưới được trang trí bằng hoa hồng, địa lan, cành táo mèo cùng các loại cây cỏ địa phương.

Váy cưới của cô dâu được cách tân từ trang phục truyền thống của người H’Mông và do một người bạn may giúp. Đến khoảng 4h chiều, Sú thở phào nhẹ nhõm khi thấy trời hửng nắng. Chú rể tỉ mỉ rắc từng cánh hoa hồng trong tiệc cưới.

Bà con trong bản áo váy rực rỡ kéo đến dự đám cưới của cặp đôi trai tài gái sắc. Ai cũng háo hức tham dự đám cưới ngoài trời đầu tiên được tổ chức ở bản. Khi đi, họ còn đem theo xoong nồi, ấm đun nước và chăn gối tới làm quà cưới cho đôi vợ chồng trẻ.

Ở đầu cầu TP HCM, bố mẹ cùng gia đình của Nguyễn Thanh Ngọc ăn mặc trang trọng theo dõi lễ cưới và gửi lời chúc phúc tới đôi uyên ương. Giữa không gian bảng lảng sương khói và se se lạnh, cả hai trao cho nhau lời ước hẹn cùng nụ hôn ngọt ngào…

Ngày cưới mới đó đã gần hai năm. Sú và Ngọc tiếp tục làm hoạt động du lịch cộng đồn, cùng bà con Sin Suối Hồ xây dựng mô hình du lịch thân thiện, bền vững.

Vĩ thanh

Quán cà phê Ka Sa của Sú và Ngọc đẹp như một bức tranh, mộc mạc và vô cùng tinh tế tới từng góc nhỏ. Những bản nhạc dịu dàng, những người khách đến lưu trú vài ngày có thể ngồi cà phê không biết chán. Họ có những chú cún đáng yêu và một em mèo lười với những tên gọi đáng yêu: Ka, Bông, Ki, Núi, Sa thân thiện. Trong đó, chú cún trục tròn chân ngắn, răng vẩu ngày ngày đi dẫn khách khắp bản làng, đến chiều tối mới về…

Đám cưới của Sú và Ngọc. (Ảnh NVCC)

Đám cưới của Sú và Ngọc. (Ảnh NVCC)

Ngọc nói, Ngọc đã đến và ở lại, Ngọc muốn mọi người biết đến Sin Suối Hồ nhiều hơn, bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và nao lòng tới choáng ngợp bởi đất và người nơi đây… Bất giác tôi nhớ đến ca khúc Giấc mơ Cha pi “Ở nơi ấy, trên ngọn núi cao, chỉ có hai mùa, hai mùa yêu nhau”… Nhưng không chỉ có vậy, họ là những người trẻ cùng với tình yêu của mình, đã dệt thêm những ảo huyền cho vùng đất kỳ ảo với những bứt phá ngoạn mục trong phát triển du lịch cộng đồng!

Đọc thêm