Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ổn định vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu khi thực hiện các chính sách, đảm bảo các yêu cầu trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, việc phân bổ phải đảm bảo đúng, trúng; sử dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời.
Đánh giá cơ bản các gói hỗ trợ được đề xuất tương đối phù hợp, theo đúng định hướng kết hợp cả tài khóa và tiền tệ; tác động vào cả phía cung và cầu, quy mô đủ lớn, Chủ tịch QH cũng đề nghị rà soát, tính toán thêm về các chính sách hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức; các giải pháp để khôi phục, cơ cấu lại thị trường lao động, nâng cao chất lượng lao động.
Các chính sách cũng phải phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung ưu tiên các giải pháp để phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển khoa học công nghệ…
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ hơn tác động tiêu cực, ảnh hưởng bất lợi có thể có khi thực hiện giải pháp tài khóa, tiền tệ được đề xuất như khả năng gây ra lạm phát, tác động đến nợ công cũng như các giải pháp để hạn chế tác động bất lợi khi thực hiện Chương trình.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn trong phạm vi Chương trình, Chính phủ đề nghị QH cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn.
Bày tỏ phân vân đối với các đề xuất này, đại biểu Tú kiến nghị cần quy định rõ việc phân cấp để đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ, tránh thất thoát tiêu cực.
Đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) cơ bản tán thành với các nội dung được nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Đề cập đến bối cảnh chung của thế giới, khi Mỹ và Châu Âu lạm phát tăng cao, đại biểu cho rằng cần quan tâm đến vấn đề chống lạm phát, đặc biệt do nhu cầu phát triển nhanh sau đại dịch.
Đại biểu Tới cũng đề nghị trong các giải pháp, phải ưu tiên số 1 cho đầu tư cho ngành y tế, trong đó phải quan tâm đến việc tự chủ vaccine.
“Về lâu dài chúng ta phải tự chủ vắc xin và tự chủ về thuốc điều trị, điều này còn có ý nghĩa về chính trị”, đại biểu nói.
Về gói an sinh xã hội, đại biểu Lê Tấn Tới đề nghị ưu tiên cho nhóm trẻ em bị mồ côi, đầu tư tận gốc, có trường nuôi dưỡng, đào tạo các cháu.
Đại biểu cũng nhấn mạnh về việc chú trọng tới vấn đề phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong chính sách hỗ trợ.