'Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?'

(PLO) - Tư duy ấy có lẽ đã ăn sâu trong một số cán bộ lãnh đạo, chỉ có cấp trên mới được phê bình mình. Giả dụ ông Bộ trưởng nói câu đó bị những người dân bình thường phê bình và chỉ trích thì ông ta còn nổi đóa đến đâu. Có lẽ những người đó đã quên mất phương châm để làm một cán bộ là “phê bình và tự phê bình”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu năm, trải lòng với báo chí, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã bộc bạch về Tổ công tác của Chính phủ mà ông dẫn đầu đi kiểm tra các bộ, ngành và địa phương.

Không phải là những chuyến “đến thăm và làm việc” đầy những nghi lễ khách sáo, xã giao với khẩu hiệu chào mừng trưng lên tại hội trường. Cũng không thảm đỏ và đến tận địa giới tỉnh để nghênh tiếp và chụp ảnh, Tổ công tác của Chính phủ đến đúng nghĩa là làm việc, và hơn cả thế là kiểm tra những việc mà các địa phương, bộ, ngành phải làm.

Bất ngờ và cũng không khó hiểu là một số đối tượng bị kiểm tra đó chẳng thích thú gì với Tổ công tác, dù họ đang làm tốt hoặc làm chẳng ra gì, nhưng có lẽ sự tự ái đã chi phối suy nghĩ và hành động, thể hiện bằng câu nói do chính ông Mai Tiến Dũng thuật lại: “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?”. 

Tư duy ấy có lẽ đã ăn sâu trong một số cán bộ lãnh đạo, chỉ có cấp trên mới được phê bình mình. Giả dụ ông Bộ trưởng nói câu đó bị những người dân bình thường phê bình và chỉ trích thì ông ta còn nổi đóa đến đâu. Có lẽ những người đó đã quên mất phương châm để làm một cán bộ là “phê bình và tự phê bình”, không cần có bằng sơ cấp chính trị, mỗi cán bộ đều phải biết đến và nằm lòng.

Trước nay, thông thường lãnh đạo đến đâu đó thì được đón tiếp long trọng, nói lời trân trọng, động viên, cổ vũ nhau chứ chỉ ra cái sai, cái phải làm, cái bức xúc của dân chúng thì chẳng ai động tới. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, người ta thường phải nghe những sáo ngữ dày đặc như “đánh giá cao những nỗ lực”, “ghi nhận thành tích”, “ cần cố gắng hơn để xứng tầm”... mà chẳng thấy vị lãnh đạo nào phê bình hoặc tỏ ra không đồng ý với cách điều hành, quản lý của đơn vị mình đến làm việc. Cái kiểu “vỗ yên trăm họ” đó có ích gì cho việc siết chặt kỷ cương phép nước không? Dĩ nhiên là không!

Giờ đây, mọi việc đã khác: “Khi kiểm tra mình phải hết sức nghiêm túc mới nói người ta được. Mình nói phải chuẩn, đúng mức và có trách nhiệm, minh bạch, công tâm, trung thực. Không phải trước mặt thì nịnh nhau nhưng ra ngoài nói với cơ quan báo chí lại đùn đẩy, né tránh. Nếu kiểm tra mà làm thế thì không ai tin”. Nghiêm túc mà ông Mai Tiến Dũng nói ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa, cả việc nhận phong bì bồi dưỡng, ăn nhậu, tặng quà. Mỗi khi đi công tác về mà mang theo một xấp phong bì thì còn kiểm tra nỗi gì!

Một số nơi đón Tổ công tác đến có thể thấy choáng vì có hàng chục cơ quan báo chí đi cùng. Theo họ, chỉ một Cổng thông tin điện tử của Chính phủ là đủ. Thế mới hiểu một điều là ngoài miệng thì đánh giá cao vai trò của báo chí, nhưng khi báo chí vào cuộc giám sát thì chẳng ai muốn cả, thậm chí có nhiều vị không cần giấu giếm tỏ thái độ bất hợp tác với báo chí, coi thường “báo thì làm được gì!”.

Rất vui khi các vị lãnh đạo đơn vị bộc lộ cái “tôi” một cách trọn vẹn trong câu đã dẫn ở trên. Tương tự như câu chuyện trong việc sử dụng xe công, một ông thủ trưởng đã hạch sách Đội trưởng đội xe: “Xe của tôi, ai cho phép anh mang phục vụ người khác?”. Một số người không thích phê bình bởi cứ tưởng mình làm “vua” trong đơn vị mình làm thủ trưởng. Như thế làm sao xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính được?

Hy vọng năm mới mọi sự sẽ khác, bắt đầu từ chuyện phải thuộc nằm lòng phương châm “phê bình và tự phê bình”.

Đọc thêm