Ông Chấn bị ép cung ra sao?
Chia sẻ với một số phóng viên, ông Nguyễn Thanh Chấn buồn rầu cho biết, ông có thể quên đi nhiều việc nhưng việc bị ép cung thì ông vẫn nhớ. Ông kể: “Trực tiếp là Điều tra viên Nguyễn H.T, còn thì cán bộ khác hỏi. Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe dọa”. “Điều tra viên L. hỏi: “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Điều tra viên D. đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường” - ông Chấn nói.
Trong đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an viết tại tù, ông Chấn cũng nêu rõ hai lần bị Công an huyện Việt Yên triệu tập và ông đều khai không biết gì về cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan. Sau lần thứ hai, “các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi” - đơn viết và mô tả: “Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo “cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ” vì cán bộ Nguyễn H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế - Bắc Giang”...
Các phóng viên cũng tìm hiểu, đến thời điểm này, sau 10 năm, các Điều tra viên trong vụ án oan chấn động này đã chuyển nhiều vị trí công tác. Đáng chú ý, theo một số người dân địa phương, Điều tra viên Nguyễn H.T. đã tử vong trong một tai nạn giao thông thảm khốc trên đường đi làm về. Một số Điều tra viên mà ông Nguyễn Thanh Chấn có nhắc tên trong đơn kêu oan hiện vẫn đảm nhiệm một số cương vị trong ngành Công an ở tỉnh Bắc Giang.
Còn chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn năm 2004 là ông Nguyễn Minh Năng bị tai nạn giao thông năm 2010, đang phải điều trị do bị ảnh hưởng đến não. Một Thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm - nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang Trần Văn Duyên - thì đã nghỉ hưu từ năm 2006.
Công nhận không phạm tội
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xét xử tái thẩm là do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, là căn cứ mở ra trình tự tố tụng tiếp theo đối với vụ án. Quyết định tái thẩm có hiệu lực ngay.
|
Sau 10 năm, ông Chấn mới được lột bỏ bộ quần áo tù nhân bị “khoác oan” |
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, với phán quyết trên, ông Chấn được công nhận là không phạm tội. Tòa phúc thẩm TANDTC - cơ quan xét xử cuối cùng vụ án sẽ phải bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Khi ấy, ông Chấn có quyền làm đơn kiện ra TAND huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) yêu cầu Tòa phúc thẩm TANDTC bồi thường các khoản: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.
Trong đó, thiệt hại về tài sản và thu nhập được tính theo mức thiệt hại thực tế. Riêng thiệt hại do tổn thất về tinh thần, luật quy định cứ một ngày bị tạm giữ, tạm giam, ngồi tù oan thì được bồi thường số tiền tương đương ba ngày lương tối thiểu (hơn 52.000 đồng).
Ai phải chịu trách nhiệm trước án oan?
Luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú khẳng định: Theo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguyên tắc này cũng được tuân thủ chặt chẽ.
Trong vụ án “Giết người” xảy ra năm 2003 tại Bắc Giang mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội, tại giai đoạn điều tra, bị can đã nhận tội nhưng việc nhận tội của bị can trong giai đoạn điều tra thường là do họ vấp phải sức ép rất lớn nên có thể không khách quan.
Trong vụ án “Giết người” xảy ra năm 2003 tại Bắc Giang mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội, tại giai đoạn điều tra, bị can đã nhận tội nhưng việc nhận tội của bị can trong giai đoạn điều tra thường là do họ vấp phải sức ép rất lớn nên có thể không khách quan.
Có thể nói, khi kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra có “vấn đề” sẽ dẫn đến sự sai lầm hàng loạt của Viện kiểm sát và Tòa án. Bởi hai cơ quan này thường đánh giá vụ án dựa trên kết quả làm việc của Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra có xu hướng tìm chứng cứ buộc tội, còn chứng cứ gỡ tội lại chủ yếu do phía người bào chữa, Luật sư tìm kiếm, xác minh nhưng không được coi trọng.
Sai lầm bắt nguồn từ cơ quan điều tra là thế nhưng nếu vụ án đã được truy tố, xét xử thì người “gánh nạn”, “gánh tiếng” lại là Viện kiểm sát hoặc Tòa án theo nguyên tắc tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều này dường như rất phù hợp với câu nói của ông cha ta là “quýt làm, cam chịu”.
Do vậy, nếu chỉ coi trọng những lời khai nhận tội của bị can và những chứng cứ được xác minh trong giai đoạn điều tra trong khi các cơ quan tố tụng khác không phát huy vai trò tích cực của mình thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc và việc oan sai xảy ra trong những trường hợp như thế này là một hệ quả tất yếu.
Luật sư Ngọc Hà, Văn phòng Luật sư Đa Phúc cho biết: Về vấn đề bồi thường cho người bị oan sai và thủ tục để được bồi thường oan sai sẽ được thực hiện theo những quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối với thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút được tính căn cứ vào thu nhập 3 tháng liền kề trước khi bị bắt (nếu có thu nhập ổn định) hoặc mức thu nhập trung bình do chính quyền địa phương xác định (nếu không có thu nhập ổn định). Đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần sẽ được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước công khai xin lỗi, cải chính.