Luật sư “mổ xẻ” án oan 10 năm

(PLO) - Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị tù
10 năm oan ức đang rất được dư luận quan tâm. Vậy cuối cùng ông Chấn có được tự do?. Hung thủ thực sự sẽ phải đền tội như thế nào?. Những điều tra viên, kiểm sát viên liệu có phải chịu trách nhiệm?... Luật sư Trịnh Văn Toàn (Trưởng Văn phòng Luật sư ATK) nêu ý kiến về vụ án trên.
Luật sư “mổ xẻ” án oan 10 năm

- Ông có nhận định gì về vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn?

- Theo tôi đây không phải là vụ việc hi hữu. Chỉ khác là trong vụ án này, theo những gì đang diễn ra, hung thủ đã xuất hiện một cách rất bất ngờ. Những vụ án khác thì không như thế.
Nhờ có người vợ kiên trì kêu oan cho mình mà ông Chấn đã có cơ hội thoát án giết người.
- Dư luận đang quan tâm nhiều đến mức tiền mà ông Chấn được bồi thường. Theo ông, ông Chấn sẽ được bồi thường như thế nào thì hợp lý nhất?
- Căn cứ Luật "Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước", ông Chấn nếu vô tội sẽ được TAND Tối cao bồi thường cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc bồi thường như thế nào thì đó là chuyện rất phức tạp. Từ bây giờ mà xác định mức tiền được bồi thường thì hơi sớm.
Chưa nên vội nói về số tiền bồi thường cho ông Chấn?
 Chưa nên vội nói về số tiền bồi thường cho ông Chấn?
Luật có quy định về việc giữa ông Chấn và TAND Tối cao có thể tự thỏa thuận mức tiền được bồi thường. Số tiền này có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bồi thường được quy định trong luật. Mà đến thời điểm này, hai  bên thỏa thuận như thế nào, rất khó để đoán biết.
Trong trường hợp 2 bên không đi đến sự thống nhất, ông Chấn sẽ được bồi thường theo quy định, cả vật chất lẫn tinh thần. Về tinh thần, Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định ông Chấn được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày bị giam giữ.
Về đền bù vật chất, thời điểm trước khi ông Chấn bị bắt, ông làm nghề bán hàng và thiệt hại của ông được xét vào thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.
Luật quy định: “Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong 3 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra”.
Như vậy, cần có các cơ quan chức năng liên quan thẩm định 3 tháng liền kề đó thu nhập ông Chấn được bao nhiêu hoặc tham khảo thu nhập của các cửa hàng có quy mô tương tự tại địa phương… Đây cũng là quá trình khá tốn thời gian.
Luật sư Trịnh Văn Toàn
 Luật sư Trịnh Văn Toàn
-
Ông nghĩ thế nào về trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ án này?
Theo Khoa học Hình sự, chủ yếu có 3 trường hợp 1 người tự nhận tội và vào tù như sau:
Thứ nhất là vào tù vì vấn đề về tâm lý:  Không ít trường hợp tự nhận những tội mình không phạm phải vì muốn được nổi tiếng, muốn mọi người chú ý…
Thứ hai là vào tù vì đi tù thay: Đây cũng là trường hợp đã xảy ra nhiều. Có những người đi tù thay người thân, hoặc nhận tiền để đi tù thay…
Trường hợp cuối cùng là để trốn tránh 1 tội danh khác hoặc vào tù để ẩn náu: Có những trường hợp trước đó đã phạm 1 tội nhưng chưa bị phát hiện, tình cờ lại tự thấy có ai đó phạm tội với mức án nhẹ hơn nên đã tìm cách này hay cách khác để vào tù thay. Cũng có không ít người tự nhận tội không phạm phải để ẩn náu khi bị truy đuổi, đe dọa…
Với trường hợp của ông Chấn, rõ ràng ông Chấn nhận tội không nằm trong 1 trong 3 trường hợp trên. Như vậy ông Chấn hoàn toàn không tự nhận tội mà có yếu tố khách quan tác động vào. Cần phải xác định được đó là yếu tố gì thì mới đi đến kết luận.
Nhưng theo tôi, có khả năng trong vụ án trên, các cơ quan tố tụng đã chịu sức ép phải hoàn thành sớm nhiệm vụ, trong khi năng lực chuyên môn có hạn, không nghĩ được vấn đề ra nhiều mũi, nhiều hướng khác nhau dẫn đến sai sót.
- Ông cho rằng việc TAND Tối cao sẽ mở phiên “Tái thẩm” chứ không phải là “Giám đốc thẩm” liệu có hợp lý?
Tôi cho rằng quyết định đó là hợp lý vì nhân vật Lý Nguyễn Chung đã xuất hiện khá bất ngờ, làm thay đổi hoàn toàn vụ án. Trong trường hợp trên, Luật Tố tụng Hình sự quy định sẽ xử “Tái thẩm” chứ không phải “Giám đốc thẩm”.
Những người bị oan sai khác sẽ như thế nào nếu không có người vợ kiên trì tìm công lý cho chồng như vợ ông Chấn?

Những người bị oan sai khác sẽ như thế nào nếu không có người vợ kiên trì
 
tìm công lý cho chồng như vợ ông Chấn?

- Có nhận định cho rằng, nếu xử vụ án theo hướng “Tái thẩm” chứ không phải “Giám đốc thẩm” đã “giúp” các cơ quan tố tụng trốn tránh trách nhiệm. Luật Tố tụng Hình sự có điều kiện quy định xét xử “Giám đốc thẩm” khi các cơ quan tố tụng “có vấn đề”.
- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Chứng cứ do nhiều nguồn cung cấp, nhưng quyền thu thập và đánh giá chứng cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự chỉ thuộc về Cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì thế, nếu không xác định được có căn cứ ông Chấn bị ép cung, nhục hình thì không thể xử lý điều tra viên, kiểm sát viên.
Nếu có tội, sẽ không dễ để thoát tội. Theo tôi, nếu ông Chấn có tố cáo về việc bị công an, kiểm sát viên, thẩm phán có hành động ép cung, cơ quan điều tra cần lập tức khởi tố vụ án để điều tra. Sau khi điều tra, nếu xác định đúng tội danh, sẽ có 1 phiên tòa hình sự được mở ra và những người đó sẽ chính là bị cáo.
- Xử “Giám đốc thẩm” và “Tái thẩm” cái nào có lợi cho ông Chấn hơn?
- Trong 2 trường hợp trên, cả 2 đều có lợi cho ông Chấn. Bây giờ, với ông Chấn, cả 2 phiên tòa trên đều mang tính thủ tục.
- Sẽ có những khả năng nào xảy ra sau phiên “tái thẩm”, thưa ông?
- Theo điều 289 Bộ luật Tố tụng Hình sự, có 3 khả năng xảy ra là: Đình chỉ vụ án, tuyên bố ông Chấn không có tội; Hủy bản án phúc thẩm, trả hồ sơ điều tra lại; Giữ nguyên bản án phúc thẩm.
Theo tôi, vụ án này có rất nhiều tình tiết phức tạp. Vì thế TAND Tối cao nên hủy bản án phúc thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Nhưng nếu trong phiên tòa tái thẩm, mọi tình tiết đã sáng tỏ rằng ông Chấn không phạm tội "Giết người" thì cần tuyên hủy bản án phúc thẩm, đình chi vụ án vì ông Chấn không phạm tội.
- Nếu chỉ dựa vào lời thú tội của Lý Nguyễn Chung, liệu đã đủ căn cứ để tuyên ông Chấn vô tội và xác định Chung là người có tội chưa?
Như tôi đã nói ở trên. Vụ án có rất nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan điều tra nên trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Việc xác định ông Chấn có tội hay không không phụ thuộc vào hành vi nhận tội của người khác. Nó phụ thuộc vào tình tiết nội tại trong hồ sơ vụ án cũng như bản chất trong hành vi của ông Chấn.
Còn với hành vi của Chung, muốn xác định có tội hay không phải qua trình tự: điều tra, truy tố, xét xử.

- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm