Ngày 7/10, Đại hội đại biểu Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra phiên thứ nhất với sự tham dự của 133 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu thanh niên khuyết tật cả nước.
Đại hội do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức. Đại hội có sự tham dự của 133 đại biểu chính thức. Trong đó, có 59 đại biểu nữ, 74 đại biểu nam. Có 15 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 3 đại biểu là tín đồ tôn giáo. Có 18 đại biểu là đảng viên, 87 đại biểu là đoàn viên. Độ tuổi bình quân của đại hội là 32,5 tuổi. Đại biểu trẻ nhất là 16 tuổi - anh Lý A Dê, đại biểu tỉnh Lai Châu.
Về trình độ chuyên môn, có 5 đại biểu là thạc sĩ, 39 đại biểu trình độ đại học, 17 đại biểu trình độ cao đẳng, 15 đại biểu trình độ trung cấp, 25 đại biểu trình độ PTTH.Trong số 133 đại biểu, có 10 đại biểu là thành viên Ban vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam; 73 đại biểu được Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố hiệp thương chọn cử; 38 đại biểu là gương thanh niên Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2024; 12 đại biểu chỉ định.
Ngay sau phiên thứ nhất Đại hội, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất khoá I, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra. Hội nghị đã hiệp thương cử 14 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Hội khóa I; ông Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I.
Ông Phạm Văn Thành (sinh năm 1983, Hà Nội) hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh - Công ty VTC Công nghệ và nội dung số. Ông Thành có trình độ chuyên môn Cử nhân Quản trị kinh doanh, là đảng viên.
Hội nghị cũng đã hiệp thương cử 4 Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I.
Theo Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, hiện có 13/63 tỉnh, thành phố thành lập được hội/câu lạc bộ/chi hội thanh niên khuyết tật cấp tỉnh là thành viên tập thể của Hội Liên LHTN Việt Nam tại các địa phương, với 208.581 thanh niên khuyết tật đang sinh hoạt.
Đồng thời, có 12/63 tỉnh, thành phố có các tổ chức, câu lạc bộ tự phát của thanh niên khuyết tật, tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi và được Ban Vận động thành lập Hội hướng dẫn các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ thành lập Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội LHTN Việt Nam cấp tỉnh/thành phố.
Các hoạt động chính của Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội, câu lạc bộ, chi hội tập trung vào các lĩnh vực: học tập, học nghề, khởi nghiệp, thể thao, văn hóa văn nghệ; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; tôn vinh, tuyên dương, lan tỏa nghị lực của thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Hội nghị đã hiệp thương cử 14 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Hội khóa I. Ảnh Đăng Hải |
Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên khuyết tật, tạo môi trường, diễn đàn để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, động viên thanh niên khuyết tật vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên, tích cực đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Với sứ mệnh đó, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để xây dựng Hội trở thành một tổ chức vững mạnh, là nơi hội tụ của ý chí, nghị lực và những khát vọng vươn lên của thanh niên khuyết tật Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng, hành trình phía trước còn rất nhiều thách thức. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và quyết tâm cao, Ban Chấp hành Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam sẽ cùng các bạn thanh niên khuyết tật xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, luôn đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, trên cơ sở khẩu hiệu hành động ‘‘Thanh niên khuyết tật Việt Nam – Đoàn kết vươn lên - Khẳng định nghị lực - Tự tin bước tới – Chinh phục tương lai”, tân Chủ tịch Hội TN Khuyết tật Việt Nam Phạm Văn Thành bày tỏ.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 118 tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật năm 2007. Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người khuyết tật. Năm 2019, Ban Bí thư T.Ư Đảng Ban hành chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 triển khai những giải pháp thiết thực để thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật.