“Ông trùm buôn bom” chạy tội

Câu chuyện về vụ buôn lậu vũ khí hạt nhân tồi tệ nhất thế giới xuất hiện những tình tiết bất ngờ mới khi có những tài liệu cho thấy hai cựu tướng người Pakistan dính líu đến vụ bán công nghệ làm giàu Uranium cho CHDCND Triều Tiên với hàng triệu đô la tiền mặt và đồ trang sức.

Câu chuyện về vụ buôn lậu vũ khí hạt nhân tồi tệ nhất thế giới xuất hiện những tình tiết bất ngờ mới khi có những tài liệu cho thấy hai cựu tướng người Pakistan dính líu đến vụ bán công nghệ làm giàu Uranium cho CHDCND Triều Tiên với hàng triệu đô la tiền mặt và đồ trang sức.

Chân dung AQ Khan trên bìa một tạp chí phương Tây.

Khi mạng lưới buôn lậu của ông trùm Abdul Qadeer Khan bị vỡ lở vào 2003, Khan đã phải thừa nhận vụ việc trên truyền hình Pakistan trong tháng 2/2004 và bán công nghệ máy ly tâm làm giàu uranium cho Iran, Bắc Triều Tiên và Libya. Khan khẳng định Chính phủ Pakistan không thề giam gia vào vụ việc này. Nhưng sau đó, Khan nói rằng Islamabad đã thuyết phục ông nhận tội để đổi lấy tự do.

Tờ Washington Post (Mỹ) đã trích dẫn một phần của tập tài liệu gồm một lá thư bằng tiếng Anh được xác định là của một quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên Jon Byong Ho, người sau này trở thành Bí thư Đảng Công nhân Bắc Triều Tiên, bị cáo buộc là người dẫn đầu các hoạt động thương mại công nghệ hạt nhân và tên lửa bí mật của nước này. Nội dung của bức thư cũng cho biết “3 triệu đô la đã được trả cho Jehangir Karamat” (tham mưu trưởng quân đội Pakistan) và “nửa triệu đô” cùng với một số đồ trang sức đã được trao cho Trung Tướng Zulfiqar Khan. Một quan chức cấp cao của Mỹ đã khẳng định rằng tài liệu này chứa các chi tiết chính xác về các vấn đề nhạy cảm mà chỉ có một số nhân vật của Pakistan, Bắc Triều Tiên và Mỹ được biết đến, nó trùng khớp với những thông tin mà Chính phủ Mỹ từng nhận được.

Một bằng chứng khác cho thấy có sự tham gia của hai nhân vật nói trên là bản lời khai viết tay của AQ Khan từng được giao cho cơ quan điều tra Pakistan năm 2004, thuật lại toàn bộ hoạt động buôn bán hạt nhân của mình. Trong đó ông nói rằng đã hai lần chuyển tiền mặt từ Bắc Triều Tiên cho Karamat, lần đầu là nửa triệu đô la và lần sau là 2,5 triệu đô la ngay khi hai bên đạt được thỏa thuận về việc Pakistan sẽ giúp Bình Nhưỡng  phát triển công nghệ làm giàu uranium. Theo Washington Post, số tiền được đựng trong một túi vải trong có 3 hộp bìa carton. Tuy nhiên, cả hai vị tướng đều phủ nhận cáo buộc trên.

Vấn đề này được chính phủ các nước phương Tây đặc biệt quan tâm. Bảy năm sau khi AQ Khan, cha đẻ của chương trình hạt nhân Pakistan, công khai nhận tội trên truyền hình, đến nay vẫn có những nghi ngờ xung quanh việc ông là người điều hành chương trình hạt nhân thực sự hay chỉ là một con tốt thí mạng của chính phủ và quân đội Pakistan. Phương Tây cũng không chắc chắn về việc buôn bán vũ khí hạt nhân vẫn tiếp diễn hay không.

AQ Khan đã trao những tài liệu mình có cho một nhà báo người Anh, Simon Henderson, hiện đang là một chuyên gia phân tích của Viện Chính sách Cận Đông Washington. Henderson cho biết, Khan đã giao tài liệu này cách đây vài năm nhưng gần đây mới đồng ý cho công bố. Henderson nói:"Tôi nghĩ rằng ông ta muốn sự thật cần phải được lịch sử ghi nhận. Tài liệu sẽ chứng tỏ rằng thứ nhất ông ta không một mình đạo diễn tất cả, thứ hai quân đội Pakistan dính líu sâu sắc đến việc ông ta làm”

Tuy nhiên, David Albright, một chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân và tác giả của một cuốn sách về mạng lưới buôn lậu AQ Khan có tựa đề Peddling Peril, lại nghi ngờ về tính chân thực của các tài liệu Khan đưa ra khi cho rằng Khan đã đổ lỗi cho tất cả mọi người, bao gồm Benazir Bhutto (cựu Thủ tướng Pakistan đã bị ám sát). Ông nhận định Khan là kẻ điều hành toàn bộ đường dây chứ không phải chỉ là một con tốt của nhà nước Pakistan: “Khan có quyền hành to lớn để xây dựng mạng lưới và ông đã lợi dụng tham nhũng để thực hiện mục tiêu của mình”.

Nguyễn Trọng (Theo The Guardian)