“Ông Từ” với những kỷ niệm đặc biệt trong ngôi nhà của Bác

Ông Trần Viết Hoàn, người vẫn được bạn bè yêu quý gọi với cái tên “ông từ giữ đền” đã 39 năm gắn bó với nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Ông là một pho từ điển sống lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về Bác. Trò chuyện với ông, càng thấy thấm thía hơn tầm cao tư tưởng đạo đức của Người từ những điều thật giản dị.

Ông Trần Viết Hoàn, người vẫn được bạn bè yêu quý gọi với cái tên “ông từ giữ đền” đã 39 năm gắn bó với nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Ông là một pho từ điển sống lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về Bác. Trò chuyện với ông, càng thấy thấm thía hơn tầm cao tư tưởng đạo đức của Người từ những điều thật giản dị.

Vĩ đại từ những điều giản dị

Nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ của khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh tại phố Vạn Bảo, Hà Nội, ngôi nhà của “ông từ” Trần Viết Hoàn tưởng chừng như không thể giản dị hơn. Người chủ của ngôi nhà giản dị ấy đang lưu giữ những ký ức vô cùng quý giá của một thời bên Bác.

c
Ông Trần Viết Hoàn

… Một buổi trưa, anh cảnh vệ Hoàn đi gánh nước tưới rau, đúng lúc Bác đi bách bộ theo thói quen mươi - mười lăm phút trước bữa ăn. Thấy Bác, anh giật mình lùi lại. Bác mới bảo: “Này chú, việc chú, chú cứ làm, việc Bác, Bác đi”. Lại có lần, anh gặp Bác trên đường khi đang đi xe đạp bèn xuống xe. Bác liền nói: “Bác có phải đền Bạch Mã đâu mà chú xuống xe”.

Theo lời ông Hoàn, những dịp đặc biệt, Bác Hồ cho anh em bảo vệ bắt cá từ ao mà thường ngày Bác vẫn chăm sóc để biếu các cụ già, cháu nhỏ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và để anh em cải thiện bữa ăn.

Một lần, vào năm 1968, anh em cảnh vệ bắt được một con cá trắm cỏ rất to. Nhưng khi đặt con cá lên cân thì không biết cách nào cân được vì đầu và đuôi của nó cứ chạm đất. Thấy vậy, Bác bèn nói với anh Đỉnh - Tổ trưởng Tổ nhà sàn: “Chú bê con cá và đứng lên cân, rồi trừ trọng lượng của chú đi thì ra trọng lượng con cá”. Mọi người làm theo lời Bác thì biết được con cá nặng tới 24kg.

Lúc đó, Bác nói: “Bắt con cá này lên để đề phòng cá lớn nuốt cá bé”. Mọi người nghe câu nói ấy của Bác mà càng thấy thấm thía lời dạy của Bác về đạo lý làm người, làm cán bộ. Cho đến mãi sau này, lời dạy ấy của Người vẫn luôn theo người cảnh vệ năm xưa khi ông giữ cương vị Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch. Mỗi lần làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, ông đều kể lại câu chuyện trên, nhiều người nghe trầm ngâm mãi.

Ông Hoàn rưng rưng như chỉ mới hôm qua: “Lúc bệnh nặng, Người muốn được uống chút nước dừa. Các giáo sư, bác sĩ đều lắc đầu từ chối vì nước dừa không tốt cho sức khỏe của người bệnh nặng như Bác. Nhưng hiểu được lòng Bác, chúng tôi đã hái quả từ 2 cây dừa trước nhà sàn - đó là giống dừa miền Nam, tự tay Bác trồng và ngày ngày chăm sóc - hái mỗi cây một trái lấy nước hòa vào một cái cốc mang lên cho Bác.

Bác chỉ nhấp được một chút nước thôi. Lúc này, chúng tôi mới hiểu ý của Bác. Người muốn mang theo trong mình nỗi dịu ngọt, thiết tha, nỗi lòng đau đáu với đồng bào miền Nam”….

“Lộc” của Cụ Hồ

Là người trực tiếp canh gác bảo vệ Bác Hồ những ngày Bác ốm mệt, và ngay sau ngày Bác đi xa, là một trong số chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục bảo vệ giữ gìn di sản của Bác, ông Hoàn vẫn nhớ như in những giây phút sắp đi xa của Người, nhớ cảm giác lạnh lẽo khi bước vào nhà sàn sau khi Bác mất.

Nửa thế kỷ qua, những dòng người vô tận từ khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, từ các quốc gia, châu lục trên thế giới vẫn tìm về căn nhà sàn đơn sơ của Bác Hồ để được thấy lại bóng hình của Người nơi vườn xưa chốn cũ. Và ông Hoàn, người cảnh vệ năm xưa, trở thành cầu nối cho nhân dân trong nước và bạn bè thế giới, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Mitterand, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Tăng Khánh Hồng… hiểu hơn về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.

Người cảnh vệ năm xưa tự hào trong suốt cuộc đời luôn giữ được mình, rèn mình không để vi phạm điều gì về đạo đức, nhân cách, không mảy may thu vén mưu lợi riêng. Suốt bao nhiêu năm qua, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, tập hợp những tư liệu về Bác Hồ. Đến nay, ông đã có trên 30 công trình nghiên cứu về Bác đăng trên nhiều báo, tạp chí và một số đầu sách.

Ngẫm lại cuộc đời mình, ông thấy mừng một điều rằng, cả nhà ông đều quây quần bên Bác. Vợ ông trước khi về hưu làm kế toán ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Con trai ông hiện là trưởng phòng bảo vệ Khu Di tích, con gái làm ở phòng thuyết minh. “Đó là “lộc” của Cụ Hồ. Hưởng lộc, hưởng phước mà Cụ ban cho thì phải sống và làm việc cho xứng đáng”, ông Hoàn vẫn tự răn mình như thế.

Thu Hồng

Đọc thêm