PAPI 2018: TP. HCM, Hà Nội vào nhóm “bét bảng” về kiểm soát tham nhũng khu vực công

(PLVN) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng nay (2/4).
Hình ảnh tại Hội thảo.

Trình bày báo cáo PAPI năm 2018 tại hội thảo, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường. 

Trong đó, kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. 

Theo khảo sát PAPI, điểm chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2018 đạt trên mức trung bình. Điểm số các tỉnh/thành phố đạt được dao động từ 5,52 đến 7,61 điểm trên thang điểm từ 1 đến 10.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm thấp nhất và cao nhất ở chỉ số này khá lớn. Điều này cho thấy các địa phương trên cả nước có mức độ hiệu quả khác nhau trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Trong 4 nội dung thành phần, “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” là nội dung có điểm số điểm tổng cao nhất, đạt 1,94 điểm trên thang điểm từ 0,25 đến 2,5.

Hai nội dung thành phần khác có mức tăng điểm so với các năm trước là “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương” và “công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công” mặc dù điểm ở nội dung công bằng trong tuyển dụng công vẫn còn rất thấp (1,11 điểm), cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng.

Vẫn theo báo cáo, các tỉnh/thành phố phía Nam có xu hướng đạt điểm cao hơn các tỉnh/thành phố phía Bắc, với 10 trong số 16 địa phương phía Nam thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất.

Bên cạnh đó, các tỉnh phía Nam cũng được đánh giá cao hơn về đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức. 

Ở cấp độ chỉ số nội dung, 3 tỉnh phía Nam gồm Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 4 nội dung thành phần. Đặc biệt, Bến Tre là tỉnh đạt điểm cao nhất ở hai nội dung “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” và “quyết tâm chống tham nhũng”. 

Hải Phòng, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Kon Tum thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở 3 nội dung. Hải Phòng còn là địa phương trong nhóm đạt điểm thấp nhất ở ba nội dung “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” và “công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công”.

TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong nhóm các tỉnh có điểm kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thuộc nhóm thấp nhất.

Tính trên thang điểm từ 1 đến 10 ở chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2018, Hải Phòng đạt số điểm thấp nhất là 5,52 điểm; Đắk Lắk có số điểm thấp thứ 2 là 5,81 điểm. TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 5,95 điểm còn Hà Nội đạt 6,08 điểm.

Từ thực trạng trên, báo cáo cho rằng có 2 vấn đề tồn tại cần các cấp chính quyền tập trung giải quyết để giảm thiểu tham nhũng, nhũng nhiễu cho người dân. 

Thứ nhất là nhũng nhiễu trong cung cấp dịch vụ hành chính và lạm dụng công quỹ cho mục đích riêng. 

Thứ hai, và quan trọng hơn, là tham nhũng trong tuyển dụng nhân lực vào bộ máy nhà nước, do còn tồn tại “vị thân” và “lót tay” để được vào làm công chức, viên chức từ cấp cơ sở. 

Mặc dù vậy, điểm 4 nội dung thành phần có tăng lên so với hai năm trước. Đây là cơ sở cho niềm tin vào sự thay đổi tích cực trong kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh, với điều kiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng được duy trì. Các tỉnh phía Bắc cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh phía Nam ở lĩnh vực nội dung này.

Chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 4 nội dung thành phần gồm kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực và khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng.

Đọc thêm