Hội thảo do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). Hội thảo được tổ chức vào thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp có hiệu lực, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.
Có DN coi hối lộ như là “chi phí kinh doanh”
Trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm nghiên cứu), cho biết, kết quả nghiên cứu thu được từ 239 DN tham gia khảo sát và 40 DN tham gia các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy phần lớn các DN còn chưa hiểu đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. Chỉ 50-60% các DN cho thấy họ hiểu rõ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN.
Về các vấn đề tuân thủ, ví dụ trong mối quan hệ với nhà nước, có hai vấn đề quan trọng cần xem xét. Thứ nhất, kết quả khảo sát cho thấy một tỉ lệ lớn DN đã vi phạm một số quy định. Thứ hai, việc trả phí không chính thức cho cán bộ nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam.
Để giải thích hay biện minh cho việc này, các DN đã viện dẫn một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định; hoặc do các quy định có sự chồng chéo/mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên, trong khi bản thân DN thiếu nhân lực chuyên trách để nắm bắt kịp thời các sự thay đổi đó.
Theo khảo sát, trong quan hệ giữa DN với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỉ trọng khá lớn. Trong đó, mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được “ngụy trang” dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25-30% trong các giao dịch kinh doanh.
Khoảng 1/3 số DN được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Việc chi trả chi phí không chính thức làm gia tăng áp lực cho các DN khác cũng phải làm tương tự để có thể tham gia cuộc chơi.
Dẫn kết quả cuộc điều tra toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cho thấy từ 51-65% DN tham gia khảo sát trong giai đoạn 2011-2017 cho rằng các DN cùng ngành đang phải trả chi phí hối lộ; xu hướng DN phải chi trả từ 10% tổng doanh thu trở lên cho các chi phí không chính thức đang tăng dần từ 7% năm 2010 lên hơn 10% số DN được khảo sát trong giai đoạn 2014-2017… nhóm nghiên cứu soạn thảo Báo cáo cho rằng các DN tư nhân ở Việt Nam đã coi hối lộ như là “chi phí kinh doanh” nhiều hơn là vấn đề “liêm chính trong kinh doanh”. Đa số các DN đó cho rằng việc chi trả này là ở mức độ “chấp nhận được”.
Doanh nghiệp ưu tiên mục tiêu “ăn xổi”
Đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự. Theo dự thảo Báo cáo, khoảng 27-38% người trả lời cho biết họ có biết các hoạt động như “thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động”, “chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng”, “tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực”.
Theo kết quả khảo sát, các DN quy mô vừa tuyển dụng nhân sự dựa trên quan hệ, quen biết ít nhất (33%) trong khi tỉ lệ này cao hơn ở các DN nhỏ và lớn (51-52%). Các cuộc thảo luận nhóm cũng chỉ ra rằng các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa ưu tiên mục tiêu “ăn xổi” mà không xem xét kỹ lưỡng rủi ro do quan điểm các “rủi ro cao” luôn đi cùng với “lợi nhuận cao”.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của DN không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng, các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.
“Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp”, ông Lộc nêu rõ.
Bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, 3,6 nghìn tỉ USD đã bị mất đi trong quá trình phát triển do tham nhũng nên các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ rất chú trọng việc kiểm soát tham nhũng.
Đánh giá cao việc Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi của Việt Nam đã mở rộng sang điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực tư, bà Wiesen cho rằng điều này thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thứ 16 trong chương trình nghị sự tới năm 2030 về phát triển bền vững là giảm mạnh mẽ tình trạng tham nhũng hối lộ ở tất cả các hành vi.
UNDP sẽ hỗ trợ cộng đồng DN xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, đồng thời cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp còn đang tìm cách áp dụng các công cụ đó.