Sáng nay, ngày 31/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015.
Được thực hiện năm thứ 11 liên tiếp, báo cáo PCI 2015 dựa trên thông tin phản hồi từ 11700 doanh nghiệp, trong đó có 10200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Theo Bảng xếp hạng PCI 2015, Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34, đánh dấu lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Sau Đà Nẵng là các tỉnh Đồng Tháp (66,39 điểm), Quảng Ninh (65,75 điểm), Vĩnh Phúc (62,56 điểm), Lào Cai (62,32 điểm)... Xếp cuối cùng là Đắk Nông (48,96 điểm).
Ngoài ra, nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2015 còn có TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hóa khi nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam”.
Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục duy trì theo chiều hướng cải thiện. Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, chi phí không chính thức còn phổ biến, cùng môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là một số trở ngại chính theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Điều tra PCI năm nay cho thấy những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đánh giá về chất lượng lao động tại Việt Nam và phân tích về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp FDI.
“Nhiều năm qua, dự án PCI nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích chính quyền các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh” – Ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh: “Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng nhất đưa Việt Nam phát triển thành công và toàn diện hơn”.
So với năm 2014, tỷ lệ nhận biết dành cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng các doanh nghiệp đã tăng từ 68% lên đến 78% và mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước có sự nhận biết về TPP thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI. Vì thế, việc tăng cường thông tin về TPP cho các doanh nghiệp trong nước sẽ là một trong những biện pháp cần thiết để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt hơn cũng như giảm thiểu thách thức từ hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán.
Có thể nói, trong 11 năm qua, PCI không chỉ là tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế mà còn là động lực quan trọng trong quá trình thúc đẩy, cải cách môi trường kinh doanh tại cấp tỉnh, thành phố Việt Nam.